Thành phố Hồ Chí Minh giao việc từng lãnh đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký Văn bản số 5891 giao cụ thể Thường trực UBND Thành phố và các Sở, ngành, UBND quận, huyện, Thành phố Thủ Đức cùng các Ban Quản lý dự án, Công ty, Tổng Công ty trực thuộc Thành phố để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Cụ thể, ông Phan Văn Mãi giao Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức theo dõi, đôn đốc, xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và lao động - thương binh và xã hội (như dự án Xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; 3 dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, các bệnh viện, trường học trên địa bàn Thành phố...) đảm bảo hoàn thành đúng cam kết và kế hoạch giải ngân đã đề ra.
Giao Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường theo dõi, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất và xem xét giải quyết các vướng mắc và kiến nghị của các địa phương và chủ đầu tư dự án liên quan đến quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật (như dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàng - đường Cộng Hòa; đường Hoàng Hoa Thám, công tác bồi thường tuyến metro 2 trên địa bàn quận 3; kênh Hàng Bàng trên địa bàn quận 5; công tác bồi thường Vành Đai 3, Nút giao An Phú; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50; cầu Xáng Hóc Môn...) đảm bảo hoàn thành đúng cam kết và kế hoạch giải ngân đã đề ra.
Chủ tịch UBND Thành phố giao Thường trực UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc, xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc lĩnh vực phụ trách và tiến độ giải ngân của các quận, huyện được phân công phụ trách, đảm bảo hoàn thành đúng cam kết và kế hoạch.
Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện giải quyết các thủ tục đầu tư có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng thời gian yêu cầu.
Cụ thể, Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về điều chỉnh quy hoạch dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND quận 3 triển khai kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2, thẩm định giá và hoàn chỉnh hồ sơ, phương án và ban hành giá bồi thường để giải ngân trước 31/12/2023.
Sở này cũng cần phối hợp với Thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh đôn đốc tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung theo dõi, rà soát, báo cáo các nội dung liên quan dự án chống ngập.
Sở Công Thương phê duyệt phương án di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt phương án di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Văn phòng UBND Thành phố khẩn trương xem xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường về thẩm định, phê duyệt giá từng căn hộ để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với nhà, công trình nhiều hộ, nhiều tầng để áp giá bồi thường cho các dự án.
Giao UBND các quận huyện và Thành phố Thủ Đức đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, UBND quận 3 tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án metro số 2. Các cơ quan, chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất 17h thứ tư hằng tuần.
Tổ trưởng 3 tổ công tác của Thàng phố hằng tuần làm việc đôn đốc tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công dự án; kịp thời thông tin các đơn vị có nguy cơ không đạt tiến độ để UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu UBND Thành phố phương án xử lý các dự án bị chậm tiến độ thực hiện, phải kéo dài thời gian thực hiện hơn so với thời gian quy định (nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm, nhóm C là 3 năm). Đồng thời, đề xuất xử lý nghiêm, có hình thức chế tài các đơn vị chậm tiến độ thực hiện dự án do lỗi chủ quan.