Shark Bình đồng ý “rót” vốn vào Cơm thố Bách Khoa, kèm thêm 3 điều kiện
Trong tập 4, Shark Tank Việt Nam mùa 6, Shark Nguyễn Hoà Bình đã đồng ý đầu tư 7,5 tỷ đồng để đổi lấy 36% cổ phần của thương hiệu Cơm thố Bách Khoa, kèm thêm 3 điều kiện.
Tập 4, Shark Tank Việt Nam mùa 6 chào đón 2 nhà sáng lập thương hiệu Cơm thố Bách Khoa là Nguyễn Thiệp và Đỗ Mai đến gọi vốn để thực hiện mục tiêu mở 100 cửa hàng cơm thố trong năm 2024.
Cơm thố Bách Khoa được giới thiệu là ra đời từ năm 2014, chuyên phục vụ các sản phẩm cơm thố tới cộng đồng sinh viên, khối văn phòng và các hộ gia đình.
Sau 9 năm hoạt động, thương hiệu này đã có 30 cửa hàng, trong đó 14 cửa hàng tự sở hữu, 16 cửa hàng franchise và 11 cửa hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Nhà sáng lập Cơm thố Bách Khoa cho biết, thương hiệu này đặt mục tiêu sẽ mở 100 cửa hàng trong năm 2024 nên đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 5 tỷ đổi lấy 10% cổ phần.
Chia sẻ thêm về mục tiêu sắp tới, Co-Founder Đỗ Mai nói: "Bọn em có kế hoạch phát triển cho toàn lãnh thổ Việt Nam. Và trong miền Nam, cũng đang có một team nghiên cứu về văn hóa ăn uống của miền Nam và miền Trung".
Nói về rào cản cạnh tranh với đối thủ, Founder Nguyễn Thiệp cho biết Cơm thố Bách Khoa có công thức độc quyền và luôn có một đội ngũ nghiên cứu ra sản phẩm mới, cho nên không thể copy được.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu của hệ thống Cơm thố Bách Khoa năm 2022 là 40 tỷ, lợi nhuận thu về là 5 tỷ. Đặc biệt, 30 cửa hàng hiện có chưa có cửa hàng nào bị lỗ và dự kiến lợi nhuận năm 2023 sẽ đạt khoảng 15-20% tùy từng mặt bằng. Tổng tài của thương hiệu là 9 tỷ, vốn lưu động là 2 tỷ.
Sau khi nghe xong phần trình bày của 2 đại diện Cơm thố Bách Khoa, Shark Hưng từ chối đầu tư với lý do: "Chưa có bảng cân đối kế toán, Chưa biết là tổng tài sản là bao nhiêu và tài sản đang tồn tại dưới dạng nào, bao nhiêu là vốn chủ, bao nhiêu là nợ".
Shark Hùng Anh cũng từ chối vì cho rằng startup không cần thiết phải thêm vốn.
Shark Louis cũng không quan tâm đến thương vụ này vì thấy kế hoạch chinh phục thị trường miền Trung, miền Nam của startup chưa thuyết phục. Tương tự, Shark Tuệ Lâm cũng từ chối tham gia đầu tư.
Lý giải về nguyên nhân “bầy cá mập” không quan thâm đến startup, Shark Bình cho hay, các nhà đầu tư chuyên nghiệp từ chối chủ yếu là vì startup đang là mô hình gia đình.
Thừa nhận về điều này, đại diện Cơm thố Bách Khoa cho biết: “Chính vì từ mô hình gia đình, bọn em nhận thấy có nhiều điều thiếu sót. Vì vậy chúng em lên đây ngoài việc gọi vốn thì bọn em mong muốn có sự đồng hành của các Shark để có thể củng cố lại nguồn lực cũng như quản trị, vận hành sao cho hợp lý”.
Đánh giá cao tinh thần muốn “lột xác” của startup, Shark Bình đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 36% cổ phần, ngoài ra vị “cá mập” này cũng cho hay có thể giúp startup quản trị minh bạch, rõ ràng; Chuyển đổi số, liên kết hệ thống phần mềm, báo cáo. Ngược lại, Shark Bình đưa ra điều kiện startup phải mở được 100 cửa hàng như đã cam kết, chia cổ tức cho nhà đầu tư và hoàn tất due diligence (thẩm định doanh nghiệp) trước khi phát sóng.
Sau khi hội ý, đại diện Cơm thố Bách Khoa bày tỏ mong muốn sau 1-2 năm sẽ mua lại từ 10-15% cổ phần bằng giá thị trường US (Mỹ).
Tuy nhiên, Shark Bình không đồng ý với “deal” này, ông cho rằng, nếu thấp hơn 35%, nhà đầu tư sẽ mất đi tiếng nói và khi đó startup sẽ quay trở lại mô hình gia đình.
Co-Founder Đỗ Mai tiếp tục đề nghị 10 tỷ cho 36% cổ phần, nhưng Shark Bình lại đưa ra đề nghị khác trên tinh thần “mỗi bên lùi một chút” là đầu tư 7,5 tỷ cho 36% cổ phần, kèm theo 3 điều kiện như ở trên.
Cuối cùng, hai nhà sáng lập Cơm thố Bách Khoa đã đồng ý với đề nghị này, đánh dấu thêm một "cái bắt tay" giữa Shark Bình và startup trong lĩnh vực F&B.
H.A