0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 04/07/2025 06:50 (GMT+7)

Kinh tế tư nhân kỳ vọng vào Nghị quyết 68: Không chỉ ưu đãi, mà là sự đồng hành và tin tưởng

Theo dõi KT&TD trên

Không đợi ưu ái, không xin hỗ trợ, hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân vẫn ngày ngày lặng lẽ lớn lên bằng chính nội lực của mình.

Trong dòng chảy đổi mới mạnh mẽ từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, niềm tin đã trở thành “chất dẫn” giúp kinh tế tư nhân khẳng định vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Những chia sẻ chân thật từ các doanh nghiệp cho thấy điều họ cần nhất không phải ưu đãi, mà chính là sự tin tưởng, đồng hành và khích lệ phát triển dài hạn.

“Cảm giác như nắng hạn gặp cơn mưa rào”

Ông Lê Xuân Bình - Chủ tịch Nghiệp đoàn Lái xe ô tô công nghệ Hà Nội cho rằng, việc Nghị quyết 68-NQ/TW xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia là một bước ngoặt mang tính chiến lược và đột phá. Đây không chỉ là một tuyên bố, mà là sự thay đổi căn bản về tư duy - một tầm nhìn bao trùm, đúng đắn, thẳng thắn nhìn nhận lại vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.

Với tư cách là một doanh nhân, ông thực sự xúc động. Cảm giác như nắng hạn gặp cơn mưa rào - sự công nhận mà bao năm nay cộng đồng doanh nghiệp tư nhân hằng mong đợi.

Không chỉ dừng lại ở tầm tư tưởng, Nghị quyết còn đưa ra những chính sách cụ thể, thực chất, như miễn thuế 3 năm đầu, bỏ phí môn bài... Đây là những bước đi thiết thực, nếu đi kèm với cải cách chính sách thuế, kế toán và thủ tục kinh doanh theo hướng thân thiện hơn, chắc chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ để các hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Theo ông Lê Xuân Bình, việc chuyển đổi không đơn thuần là thay đổi về thủ tục, mà là một bước tiến nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân trong hệ sinh thái kinh tế quốc dân - một cuộc "giải phóng" thực sự để khu vực này phát triển đúng với tiềm năng, đóng góp ngày càng lớn hơn cho đất nước.

Kinh tế tư nhân kỳ vọng vào Nghị quyết 68: Không chỉ ưu đãi, mà là sự đồng hành và tin tưởng
Hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân vẫn ngày ngày lặng lẽ lớn lên bằng chính nội lực của mình. (Ảnh minh họa: Lê Thanh Hà)

Ông Phạm Ngọc Huấn - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại BHH bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân mà Nghị quyết 68 đề ra. Với ông, chuyện vay vốn luôn là bài toán khó. Đáng mừng là lần này, có chủ trương khuyến khích các ngân hàng cho vay dựa trên dòng tiền thay vì cứ bám chặt vào tài sản thế chấp.

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có nhiều tài sản để thế chấp. Nhưng họ lại có dòng tiền ổn định, có đơn hàng đều, có cách làm linh hoạt, nhanh nhạy với thị trường. Nếu ngân hàng nhìn vào khả năng vận hành và dòng tiền thực tế để quyết định cho vay, thì đó mới là cách hỗ trợ đúng và trúng.

Với ông Huấn, đây là một thay đổi rất đáng chờ đợi, không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận vốn dễ hơn, mà còn cho thấy Nhà nước thực sự hiểu và đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân trên hành trình phát triển.

Ngoài vấn đề vốn, ông Huấn cũng rất ấn tượng với định hướng trong Nghị quyết về việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Những điều này nghe thì lớn, nhưng với doanh nghiệp nhỏ như ông, nó chạm đúng vào những khó khăn hàng ngày. Ví dụ chuyện chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp rất muốn làm, nhưng thiếu kinh phí, thiếu kiến thức, cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Nếu có các chương trình hỗ trợ cụ thể, thiết thực như tư vấn công nghệ, tập huấn phần mềm, hay thậm chí hỗ trợ một phần chi phí, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn thay đổi để vận hành hiệu quả hơn.

Sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW, số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức cao kỷ lục. Tháng 6/2025, lần đầu tiên tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, vốn bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm 2024.

Ông Đinh Công Thành - Chủ cơ sở sản xuất nấm Công Thành nhấn mạnh rằng, để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là phải có quy định, nghị định và hướng dẫn thực thi thật cụ thể, rõ ràng. Không thể chỉ dừng lại ở việc nói rằng chúng ta đang làm tốt, mà cần phải thay đổi bằng hành động, bằng một hệ thống pháp lý chi tiết, khả thi và sát với thực tế mà doanh nghiệp đang gặp phải mỗi ngày.

Khi các quy định này được triển khai đồng bộ và hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân mới thực sự được tiếp sức từ tài chính, vốn, hoàn thuế, xây dựng nhà xưởng, cấp phép hoạt động… cho đến những yếu tố quan trọng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Thành, chỉ khi môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, thì khu vực kinh tế tư nhân mới phát triển vững vàng và đóng góp được nhiều hơn.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Thành cho rằng nếu tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hay chất lượng sản phẩm không được áp dụng nghiêm túc và công bằng, thì chính những doanh nghiệp làm đúng lại chịu thiệt. Trong khi đó, một số đơn vị làm cẩu thả, thiếu minh bạch lại có thể tồn tại.

May mắn là thời gian gần đây, ông thấy cơ quan chức năng đã bắt đầu siết lại các quy định này. Đúng là trước mắt sẽ có khó khăn, nhất là với doanh nghiệp nhỏ, nhưng về lâu dài, ông tin đó là điều cần thiết để tạo ra một môi trường kinh doanh tử tế và ổn định hơn.

Ông Thành cũng mong Nhà nước có thêm những cơ chế khuyến khích cụ thể dành cho những chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làm đúng, làm chuẩn, từ ưu đãi thuế, hỗ trợ quảng bá, đến tạo điều kiện trong tiếp cận đất đai, nguồn vốn. Nhất là với các cơ sở nhỏ, vừa làm vừa lo đủ thứ, thì việc tiếp cận vốn với lãi suất thấp và thủ tục đơn giản là vô cùng quan trọng.

Chỉ khi gỡ được nút thắt về vốn, doanh nghiệp mới dám đầu tư mở rộng, nâng cấp chất lượng và theo kịp với yêu cầu thị trường.

Niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh rằng, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển quốc gia, ngoài vốn thì yếu tố quan trọng nhất chính là thể chế. Thể chế bao gồm nhận thức, cơ sở pháp lý cũng như môi trường đầu tư cho doanh nghiệp phát triển tự nhiên.

Nó phải bao gồm yếu tố bảo vệ tài sản, sở hữu trí tuệ, quyền kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, xử lý tranh chấp, bảo hộ tài sản, hỗ trợ doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư…

Kinh tế tư nhân kỳ vọng vào Nghị quyết 68: Không chỉ ưu đãi, mà là sự đồng hành và tin tưởng
Nghị quyết 68-NQ/TW được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi thực chất. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Chính vì vậy, Nghị quyết 68-NQ/TW được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi thực chất, khắc phục những rào cản cố hữu về thể chế, pháp lý và môi trường kinh doanh. Việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân, đồng thời đưa ra các chính sách bảo vệ quyền sở hữu, hỗ trợ tiếp cận thị trường, tạo điều kiện mở rộng quy mô và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp được xem là bước ngoặt quan trọng.

Nghị quyết 68 không chỉ đặt mục tiêu khuyến khích kinh doanh mà còn nhấn mạnh tinh thần đồng hành, tôn trọng và bảo hộ doanh nghiệp, giúp họ yên tâm đầu tư dài hạn, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khi những "nút thắt" về thể chế được tháo gỡ, kinh tế tư nhân sẽ có thêm dư địa phát triển bền vững, đóng góp ngày càng lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Trao đổi về một số “nút thắt” cần được tháo gỡ, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc thiếu đất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là nút thắt lớn. Hiện nay đất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không được chú ý. Trong khi đó ở nước ngoài, đất cho doanh nghiệp được tạo điều kiện hơn rất nhiều. Về chuyển đổi số, ông Phong khẳng định: “Chuyển đổi số là xu hướng chung, tất cả doanh nghiệp đều đang trong cuộc, chỉ khác nhau mức độ. Doanh nghiệp họ chỉ đầu tư khi thấy cần thiết và giá hợp lý. Cản trở lớn nhất là chi phí và thiếu hướng dẫn cụ thể”.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ thông tin, đầu vào, đầu ra. Địa phương phải đảm bảo mặt bằng, giảm chi phí tuân thủ, phòng cháy chữa cháy, môi trường. Cần tăng giám sát để minh bạch, hỗ trợ thực chất.

Nói về kỳ vọng, ông Phong tin tưởng: “Nếu gỡ được các nút thắt thể chế, khu vực tư nhân sẽ bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới. Họ đã tự tồn tại, tự lớn lên dù gặp muôn vàn khó khăn. Khi thật sự được tôn trọng, hỗ trợ và tin tưởng, kinh tế tư nhân sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế quốc dân”.

Tại Họp báo thường kỳ quý 2 Bộ Tài chính, bà Trịnh Thị Hương - Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) vui mừng thông tin tới báo chí, sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW, số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức cao kỷ lục. Tháng 6/2025, lần đầu tiên tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, vốn bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm 2024.

Bà Trinh Thị Hương chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng phấn khởi với con số 24.422 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6, cao gấp hơn hai lần so với giai đoạn 2021 - 2024. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6 đạt trên 14.000 doanh nghiệp, tăng hơn 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Những kết quả này là sự khẳng định các chính sách của Đảng, Nhà nước đã bắt đầu đi vào cuộc sống, khuyến khích lực lượng kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào nền kinh tế độc lập, tự chủ và bền vững”.

Bảo Thoa - Đinh Luyện

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế tư nhân kỳ vọng vào Nghị quyết 68: Không chỉ ưu đãi, mà là sự đồng hành và tin tưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khi người trẻ bước vào cuộc chơi đầu tư kinh doanh
Thế hệ Z và millennials đang thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thị trường đầu tư Việt Nam. Không còn là những nhà đầu tư thận trọng theo truyền thống, giới trẻ ngày nay bước vào cuộc chơi với tư duy táo bạo, công nghệ hiện đại và khát vọng tạo dựng tài sản từ sớm.

Tin mới

Khúc bạch vải thiều: Khi món tráng miệng mùa vụ trở thành "ngôi sao" trên mạng xã hội hè 2025
Mỗi khi mùa hè đến, thị trường ẩm thực và đồ uống lại sôi động với sự lên ngôi của những món ăn, thức uống giúp giải nhiệt, mang đến cảm giác sảng khoái. Mùa hè năm 2025 cũng không ngoại lệ, và "ngôi sao" đang chiếm trọn sự chú ý của cộng đồng những người yêu ẩm thực chính là món khúc bạch vải thiều
Tiền điện tháng 6 tăng đột biến, EVN Hà Nội nói gì?
Theo EVNHANOI, ngoài việc nhiệt độ cao làm tăng tần suất sử dụng điện, thì việc điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt theo Quyết định 1279 có hiệu lực từ ngày 10/5 - với mức tăng 4,8%, là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng cao.
Hai tập đoàn lớn muốn đầu tư nhiều dự án BT tại TP.HCM
Sun Group và Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án tại một số khu vực của TP.HCM, trong đó có dự án khu đô thị cảng Trường Thọ, các dự án dọc sông Sài Gòn, các dự án còn lại trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 2 tuyến đường sắt đô thị.