TP HCM: Đủ điều kiện, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn chưa vội vay gói 120.000 tỷ đồng
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Báo cáo số 16178 về kết quả triển khai chương trình tín dụng gói 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê thuộc cụm công nghiệp tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức do Công ty cổ phần ThuThiemGroup làm chủ đầu tư đã được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh quận 7 thẩm định và đồng ý cấp tín dụng cho vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với hạn mức vay tối đa 585 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa có nhu cầu giải ngân để thực hiện dự án nên chưa ký hợp đồng tín dụng và các hợp đồng đảm bảo theo quy định. Hiện nay, chủ đầu tư đang vay vốn tại một ngân hàng khác và được hỗ trợ theo chương trình lãi suất 2% (theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ) để thực hiện dự án.
Đối với 5 dự án (3 dự án nhà ở xã hội và 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư), các chủ đầu tư đã liên hệ với các Chi nhánh Ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank tại Thành phố Hồ Chí Minh để đăng ký vay vốn. Hiện nay, các ngân hàng đang thẩm định hồ sơ, chưa có dự án nào được cấp tín dụng vay.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi là cam kết của 4 ngân hàng, gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank với Chính phủ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5- 2% so với lãi suất vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Tuy nhiên, khi tiếp cận hồ sơ thẩm định, các ngân hàng có quy định riêng về các điều kiện vay, nhằm đảm bảo thu hồi các khoản cho vay theo quy định.
Cụ thể, đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chủ đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai 2013.
Do đó, chủ đầu tư không thể dùng khu đất dự án nhà ở xã hội (đã thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất sang đất dự án nhà ở xã hội phù hợp quy hoạch) làm tài sản bảo đảm thế chấp, vay vốn tại ngân hàng thương mại cho chính dự án nhà ở xã hội trên đất, phải dùng tài sản khác thế chấp để đảm bảo khoản vay.
Bên cạnh đó, hầu hết các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đủ thành phần hồ sơ để vay theo quy định của ngân hàng.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư có thoả thuận với các ngân hàng khác để cấp hạn mức bảo lãnh đối với nhà thầu, đơn vị thi công, người mua nhà, bảo lãnh hợp đồng bán nhà ở hình thành tương lai. Vì vậy, sẽ có những khác biệt về quy định cho vay giữa các ngân hàng.
Đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, ngoài các điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, các ngân hàng yêu cầu chủ đầu tư phải có quyết định giao đất và giấy phép xây dựng mới xem xét cho vay.
Từ thực trạng trên, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị UBND Thành phố đề xuất Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ những vướng mắc khi triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Được biết, tổng nhu cầu nhà ở xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 khoảng 37 triệu m2 sàn. Trong đó đối tượng chủ yếu có nhu cầu là người thu nhập thấp tại khu vực đô thị khoảng 15 triệu m2 sàn và công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố khoảng 12 triệu m2 sàn. Tương ứng nhu cầu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 là 451ha và nhu cầu vốn đầu tư xâv dựng khoảng 86.400 tỷ đồng.
Dự kiến giai đoạn 2021-2030, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà. Trong đó nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng hơn 1,3 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 18.600 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt trên 700.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 12.500 căn hộ. Số lượng nguồn cung nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 như trên chỉ đáp ứng được khoảng 17,8% nhu cầu. Riêng nhà ở cho công nhân chỉ đáp ứng được gần 6% nhu cầu.