Quảng Nam: Loạt dự án vay ODA mang lại hiệu quả cao, cần tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân
Các dự án từ nguồn vốn vay ODA tại Quảng Nam được đánh giá mang lại hiệu quả cao, giúp giải quyết nút thắt cơ bản về giao thông, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp hay như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng...
Tuy nhiên có một số dự án đang triển khai gặp không ít khó khăn, cần được tháo gỡ.
Hiệu quả các dự án từ nguồn vốn vay ODA
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Tâm cho biết, những dự án từ nguồn vốn ODA như dự án “Cải thiện môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An”; “Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành; “Đường dân sinh LRAMP và nhiều dự án khác đã và đang được triển khai như dự án “Quốc lộ 40b đoạn Phú Ninh - Tiên Phước đã làm xong. Dự án này nằm trong dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam đã phát huy hiệu quả cao, đáp ứng sự phát triển giao thông, đáp ứng nguyện vọng của người dân vùng dự án.
Ông Văn Thu người dân xã Tam Dân, huyện Phú Ninh nơi có dự án Quốc lộ 40B đi qua cho hay, trước đây đường chật hẹp, ổ voi, ổ gà gây tai nạn giao thông liên tục, bây giờ đường rộng sạch đẹp quá thuận lợi.
“Thật sự các dự án đã giúp cho giao thông thuận lợi, cảnh quan trở nên đẹp đẽ, người dân các xã dự án đi qua phát triển kinh tế, con em đến trường, người lớn đi làm thuận lợi hơn nhiều”, ông Thu chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, UBND tỉnh đã có Văn bản số 9038/UBND-KTHT ngày 26/12/2023 về việc báo cáo tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi năm 2023, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA trên địa bàn tỉnh.
Ông Quang cho hay, trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã vận động tiếp tục đầu tư 2 dự án từ nguồn vốn ODA gồm Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc cho vay lại và chủ trương đàm phán thỏa thuận vay, thỏa thuận viện trợ sử dụng vốn tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Quyết định số 1502/QĐ-TTg ngày 1/12/2023. Còn tổng kế hoạch vốn năm 2023 được UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ thực hiện 7 dự án, có tổng kế hoạch vốn là 1.046.671 triệu đồng.
Thực thế, tại Quảng Nam những dự án từ nguồn vốn ODA về dự án xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đường giao thông, phát triển lưới điện nông thôn, xây dựng trường học, trạm y tế và đầu tư trang thiết bị; trồng rừng, bảo vệ rừng... đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh.
Những khó khăn cần tháo gỡ trong giải ngân nguồn vốn
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho rằng, những dự án đã đưa vào sử dụng phát huy tính hiệu quả cao, nhưng có một số dự án đang triển khai gặp không ít khó khăn. Như Dự án Phát triển môi trường hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Hội An đến nay thủ tục gia hạn Hiệp định vay vẫn chưa hoàn thành nên chưa đủ cơ sở để giải ngân kế hoạch vốn, mặc dù khối lượng hoàn thành đã được nghiệm thu.
Ngoài ra, Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên việc thực hiện công tác bàn giao mặt bằng chậm; tình hình thời tiết không thuận lợi trong những tháng cuối năm nên khối lượng thực hiện không đạt. Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM), do vướng một số thủ tục (báo cáo tái định cư, báo cáo đánh giá tác động môi trường) để nhà tài trợ chấp thuận nên việc trao hợp đồng một số dự án thành phần chưa đạt tiến độ…
Trong Báo cáo 9038, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng địa phương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính về việc hoàn trả kế hoạch vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát năm 2021 và 2022 là 393.300 triệu đồng. Vì vậy, đối với kế hoạch vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát bố trí năm 2021, năm 2022 và năm 2023 không giải ngân hết kế hoạch vốn và tỉnh Quảng Nam đã đề xuất hoàn trả ngân sách Trung ương. Kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, tiếp tục tham mưu bố trí kế hoạch vốn những năm tiếp theo đảm bảo bằng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư quan tâm, xem xét có ý kiến để Bộ Tài chính quan tâm, xem xét gia hạn Hiệp định vay của của Dự án Phát triển môi trường hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Hội An để thực hiện giải ngân kế hoạch vốn.
Có ý kiến Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính đề xuất nhà tài trợ xem xét, rút ngắn thời gian giải ngân cho các đơn vị tiếp theo đối với Dự án Hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường khu đô thị Núi Thành. Hướng dẫn thủ tục đăng ký và giải ngân kế hoạch vốn viện trợ không hoàn lại đối với Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM); Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An.
Thời gian qua, Quảng Nam đã sử dụng vốn vay ODA có hiệu quả và tập trung cho một số lĩnh vực trọng yếu đã thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. Đáng chú ý các dự án đã giải quyết nút thắt cơ bản về giao thông, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp, hay như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng... Chính vì thế rất cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, để các dự án đang được triển khai sớm được hoàng thành.