Phổ Yên (Thái Nguyên): Cần sớm xử lý nghiêm việc xây dựng cây cầu trái phép bắc qua sông Công
Dư luận Thái Nguyên đang đặt câu hỏi, tại sao gần 10 năm nay, một cây cầu xây dựng không phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, bắc qua sông Công, nối xóm Đầm Mương (thành phố Phổ Yên) với tổ dân phố Kè (thành phố Sông Công) vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp dư luận và chỉ đạo của chính quyền.
Năm 2017, ông Lý Văn Nuôi, xóm Đầm Mương, xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên, đã công khai đổ trụ, xây dựng một cây cầu không phép, tự đặt tên là cầu Đầm Mương, bắc ngang qua sông Công nối xóm Đầm Mương, xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên với Tổ dân phố Kè, phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công, có chiều rộng trên 2m, chiều dài khoảng 50m.
Ngày 12/12/2017, UBND thị xã Phổ Yên (nay là thành phố Phổ Yên), sau khi được thông báo về tình trạng có hộ dân tự ý xây cây cầu đã yêu cầu UBND xã Minh Đức báo cáo đầy đủ về UBND thị xã việc xây dựng cây cầu này, đồng thời phải “có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về việc tự ý xây dựng cầu qua sông Công, khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm quy định; bố trí lực lượng và thực hiện các biện pháp đình chỉ thi công xây dựng theo đúng quy định”. Yêu cầu UBND xã Minh Đức và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà công trình vẫn được hoàn thiện và đưa vào hoạt động.
Hiện nay, hai bên đầu cầu được ông Lý Văn Nuôi làm cổng chào, treo cờ, biển hiệu tên cầu và khẩu hiệu rất bài bản. Đáng chú ý, cổng chào đầu cầu bên phía địa phận xã Minh Đức, ông Lý Văn Nuôi còn ngang nhiên treo biển “Công trình chào mừng chung tay xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên”.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi công trình hoàn thành, ông Lý Văn Nuôi tiếp tục ngang nhiên tổ chức kinh doanh cây cầu bằng cách thu tiền phí qua cầu của người dân, không theo một quy định thu phí và lệ phí nào của Nhà nước. Cụ thể, ông Lý Văn Nuôi thu tiền phí xe máy đi qua cầu 4 nghìn đồng/lượt, xe ôtô 10 nghìn đồng/lượt, riêng người dân địa phương thì mua vé cả năm được quy ra bằng thóc.
Ông L.H, phường Thắng Lợi cho biết: “Chính quyền để người dân tự làm cây cầu, tự thu tiền nguy hiểm quá, không có bảo hiểm, không có thiết kế… nếu đổ, đứt ai chịu trách nhiệm. Lúc trời mưa, ôtô 4 đến 7 chỗ vẫn đi qua, hộ cá nhân vẫn thu tiền”. Ông L.H còn nhấn mạnh, tại sao cầu không được cấp phép lại cho thu tiền phí qua cầu?
Không chỉ riêng ông L.H, sau khi đi qua và phát hiện nhiều bất cập về việc xây dựng cây cầu này, nhiều người dân bức xúc đã phản ánh tới các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về những bất cập đó, yêu cầu làm rõ những việc liên quan đến xây dựng cầu như: Cá nhân hay tổ chức nào đứng sau hay cho phép ông Lý Văn Nuôi xây dựng cầu dân sinh trái phép, thu lợi nhiều năm nay? Việc tiền phí đó được quản lý như thế nào và thu đến bao giờ? Nếu xảy ra mất an toàn giao thông trách nhiệm thuộc về ai? Đồng thời, đề nghị xử nghiêm cá nhân xây dựng cầu trái phép theo quy định của pháp luật, cũng như làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu liên quan.
Qua tìm hiểu phóng viên được biết thêm: Chính quyền xã Minh Đức có báo cáo lên cấp trên xin ý kiến và nhiều lần có văn bản, thông báo yêu cầu ông Lý Văn Nuôi không được phép thu phí các phương tiện giao thông khi đi qua cầu. Tuy nhiên, ông Lý Văn Nuôi vẫn tiếp tục công khai không chấp hành và thu phí bình thường trước sự “bất lực” của chính quyền sở tại cho tới hiện nay.
Vi phạm kéo dài suốt gần 10 năm nay vẫn chưa được xử lý, khiến dư luận đặt dấu hỏi về vai trò quản lý Nhà nước và trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu? Liệu có xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” khi mùa mưa bão đang diễn ra khắc nghiệt.