Vụ “Căn biệt thự xây dựng trái phép ở Cà Mau”: Vẫn “nhùng nhằng” việc xử lý vi phạm?
Dư luận đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương làm việc với tỉnh Cà Mau xung quanh việc xử lý căn biệt thự khủng, hiện vụ việc kéo dài khá lâu. Hàng loạt quyết định cơ quan hành chính sửa đổi rất nhiều lần, tạo tiền lệ xấu khi xử lý hành vi vi phạm hành chính.
Những dấu hiệu bất thường
Chiều 9/9, thông tin của phóng viên Báo điện tử Xây dựng được biết, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Cà Mau về việc khắc phục hậu quả đối với ông Hồ An Tập (41 tuổi, ngụ xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, chủ của căn biệt thự xây dựng trái phép).
Theo văn bản trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, qua rà soát hồ sơ vụ việc xử lý vi phạm hành chính đối với ông Hồ An Tập của Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau và các tài liệu có liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau trong việc xử lý căn biệt thư do ông Hồ An Tập làm chủ là đúng theo pháp luật. Như vậy, Quyết định số 4617/QĐ-CCXP ngày 20/8/2024 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đã thực hiện đảm bảo theo các quy định của pháp luật.
Quyết định số 4617/QĐ-CCXP cho rằng, từ khi bị phát hiện vi phạm trong việc xây dựng nhà trái phép, ông Hồ An Tập xem thường pháp luật. Khi UBND thành phố Cà Mau ra Quyết định số 7309 xử lý vi phạm buộc chuyển quyền sử dụng hơn 2.200m2 đất, ông Hồ An Tập cho rằng, bản thân không nhận được dù ông đã ký nhận quyết định xử lý vi phạm tại UBND xã Tân Thành. Khi Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Cà Mau không đồng ý chuyển mục đích 583,2m2 đất, ông Hồ An Tập đăng trên facebook rao bán căn biệt thự như rao bán “trách nhiệm của mình” lý do không có tiền chuyển mục đích toàn bộ khu đất theo quyết định xử lý vi phạm hành chính ngay thời điểm ông vừa nhận Giấy phép xây dựng căn nhà 5 tầng tại trung tâm thành phố Cà Mau chưa ráo mực. Do đó, trong quyết định cưỡng chế, ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau ghi rõ việc ông Hồ An Tập “gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, làm suy giảm lòng tin trong nhân dân vào chính quyền”.
Không hiểu sao, dù quyết định xử lý vi phạm hành chính của UBND thành phố Cà Mau đã có hiệu lực, UBND tỉnh 02 lần triệu tập cuộc họp khẩn để rà soát lại, dù thẩm quyền thuộc Tòa án. Ngày 26/8/2024, UBND tỉnh Cà Mau có Giấy mời hỏa tốc các Sở, ban, ngành họp rà soát việc khắc phục hậu quả đối ông Hồ An Tập. Cuộc họp do ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chủ trì vào lúc 14 giờ ngày 27/8/2024 tại Phòng họp UBND tỉnh. Trong một ngày, UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Cà Mau rà soát, tập hợp hồ sơ vụ việc (kể cả các đơn, thư, đề xuất, kiến nghị của ông Hồ An Tập và ý kiến của các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan) gửi gấp về UBND tỉnh và các đơn vị họp để nghiên cứu trước. Văn bản mời họp hỏa tốc đến nỗi viết thiếu từ “soát” “họp rà việc khắc phục hậu quả…”. Cuộc họp thứ 2 do Phó Chủ tịch Lê Văn Sử chủ trì tổ chức ngày 4/9/2024. Lần này, các thành phần dự họp không nhận được thư mời hỏa tốc mà nhận được tin nhắn qua điện thoại.
Tại cuộc họp trên, các cơ quan chức năng đọc đơn kiến nghị của Hồ An Tập ký ngày 22/8/2024. Cũng chiêu bài “trốn trách nhiệm, không thực hiện theo đúng pháp luật”, ông Hồ An Tập than “đang gặp khó khăn về tài chính, không đủ khả năng để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở một lần đối với toàn bộ diện tích 2.261,58m2 đất vi phạm. Do đó, kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép được thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả chuyển mục đích sử dụng đất chia thành 02 lần, với lần đầu chỉ đủ khả năng chuyển mục đích sử dụng đối với phần đất diện tích 583,2m2 đã xây dựng nhà ở và một số công trình xây dựng khác”.
Đề xuất lạ lùng
Thật lạ, với hành vi “gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, làm suy giảm lòng tin trong nhân dân vào chính quyền” và quyết định cưỡng chế đúng theo pháp luật, nhưng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đồng ý theo kiến nghị của ông Hồ An Tập. “Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho ông Hồ An Tập chấp hành việc khắc phục hậu quả theo Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau xem xét, cho ông Hồ An Tập được thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (chuyển mục đích sử dụng đất) chia thành 02 lần theo như kiến nghị của ông Hồ An Tập (quy định rõ thời gian thực hiện). Ngoài ra, nếu tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế (buộc tháo dỡ công trình, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất) sẽ gây phát sinh nhiều kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện, gây thiệt hại lớn cho ông Hồ An Tập; gây dư luận không tốt đối với việc quản lý đất đai ở địa phương và có thể phát sinh việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Trong khi công trình này vẫn có thể được tiếp tục tồn tại (khi đã hoàn tất việc chuyển mục đích sử dụng đất)”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất.
Trao đổi với phóng viên, một luật sư ở Cà Mau (xin giấu tên) cho biết: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và được sửa đổi, bổ sung năm 2020 trở thành một văn bản pháp lý quan trọng. Khoản 7, Điều 12, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính là hành vi bị cấm. Tại khoản 7, Điều 12, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính”. “Nếu để hành vi này xảy ra trên thực tế, các hậu quả có thể xảy ra bao gồm: Không đảm bảo được tính hiệu quả trong áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính; Không thể hiện được tính nghiêm minh, công bằng, xử đúng người đúng tội trong quản lý hành chính Nhà nước. Có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền phải xử lý nghiêm minh để đảm bảo giá trị trừng trị người vi phạm, đồng thời giáo dục người vi phạm và giáo dục chung đối với tất cả mọi người. Việc can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính có khả năng ảnh hưởng bất lợi đến ý thức pháp luật của người dân cũng như không giáo dục được người vi phạm”, vị luật sư cho biết.
Dư luận người dân Cà Mau đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương vào cuộc để làm rõ những “khuất tất” khi xử lý căn biệt thự xây dựng trái phép.