Phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường
Tại Việt Nam, mô hình nông nghiệp xanh ngày càng được người nông dân quan tâm. Ở nhiều địa phương, các mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Phát triển nông nghiệp xanh chính là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường.
Với nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải cũng như thực thi các cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050... Tất cả đều hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường, carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình nuôi sâu canxi giúp khử bỏ mùi hôi thối gây khó chịu trong chất thải hữu cơ. Ngày nay sâu canxi đang là mặt hàng thức ăn chăn nuôi được dùng phổ biến để nuôi gia súc, gia cầm.
Tại Ninh Bình, với sự hỗ trợ từ hội nông dân các cấp, người nông dân ở đây đã được tham gia lớp tập huấn của hội nông dân tỉnh về một số phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường như mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế, nuôi gà trên đệm lót sinh học. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Thế Luân trú tại xã Khánh Công, huyện Yên Khánh cho biết, trước đây, gia đình tôi nuôi gà theo cách truyền thống, thả rông trong vườn, hằng ngày dọn dẹp vệ sinh. Sau khi được tham gia lớp tập huấn, tôi đã chuyển sang nuôi gà trên đệm lót sinh học cùng với đó là nuôi sâu canxi, trùn quế làm thức ăn cho gà. Trong quá trình chuyển sang nuôi gà trên đệm lót sinh học, tôi được Hội Nông dân các cấp hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí sửa sang chuồng trại, chế phẩm sinh học.
Làm đệm lót sinh học tương đối đơn giản, tôi có thể tận dụng các phụ phẩm cây trồng như rơm, thân, cành lá cây, mùn cưa kết hợp phun dung dịch men vi sinh. Hệ men vi sinh vật giúp phân giải nước tiểu, phân thải, hạn chế khí hôi, thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Đây là lứa gà thứ 2 ông Luân áp dụng phương pháp chăn nuôi này và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Đàn gà khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, ít bệnh tật, chuồng trại sạch sẽ, không còn mùi hôi như trước, phân gà sau khi thu dọn đệm lót là nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng.
Ngoài ra, ông Luân cũng nuôi sâu canxi, trùn quế làm thức ăn chăn nuôi. Sâu canxi, trùn quế dùng chất thải động vật và phế phẩm rau xanh làm thức ăn. Sản phẩm sâu trưởng thành, vỏ kén của sâu, trùn quế sau đó lại trở thành thức ăn cho gia cầm. Nuôi sâu canxi, trùn quế không chỉ bổ sung nguồn thức ăn dinh dưỡng cho vật nuôi mà chất thải từ chúng còn là phân hữu cơ vi sinh tự nhiên, giàu hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với tất cả các loại cây trồng.
Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học không những làm tăng chất lượng sản phẩm mà còn làm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Mô hình của ông Luân đang tạo ra quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Theo chủ mô hình, nuôi gà trên đệm lót sinh học kết hợp nuôi trùn quế, sâu canxi đã giúp gia đình ông tiết kiệm 40% chi phí thức ăn, giảm 60% công lao động.
Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang dần chuyển sang phương pháp chăn nuôi, canh tác mới, thân thiện với môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp xanh- thân thiện với môi trường. Việc phát triển nông nghiệp xanh đã có những hiệu quả rõ rệt. Trước đây, phụ phẩm cây trồng, phân gia súc, gia cầm thường không được xử lý đúng cách hoặc bỏ đi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống. Sau khi được trang bị kiến thức, tập huấn kỹ thuật, người dân đã thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi trong việc chuyển đổi, phân loại rác thải.
Minh Anh