0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 13/05/2025 14:29 (GMT+7)

Nước giải khát có đường: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Theo dõi KT&TD trên

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, nhằm định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng là một trong các vấn đề được đặt ra khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo.

Nhiều đại biểu đồng tình

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhất trí cao với việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này không chỉ nhằm tăng thu ngân sách, mà trước hết là để định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn.

Nước giải khát có đường: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Đề nghị áp thuế với nước giải khát có đường nhằm định hướng tiêu dùng.

Trên thực tế, nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Anh, Mexico… đã áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và đạt được kết quả tích cực như giảm tiêu dùng sản phẩm có đường cao, tăng nhận thức về dinh dưỡng, đồng thời tạo nguồn lực tài chính cho các chương trình y tế dự phòng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, quy định rõ ràng về ngưỡng đường từ 5g/100ml trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam là cần thiết để tạo sự minh bạch, tránh áp dụng tràn lan đối với các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sữa, nước trái cây nguyên chất không đường bổ sung. Điều này cũng giúp chính sách thuế hướng trúng vào nhóm sản phẩm cần điều chỉnh, mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất thực phẩm lành mạnh.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, các sản phẩm, thực phẩm, đồ uống đều do doanh nghiệp sản xuất tự công bố chỉ tiêu chất lượng, nên để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp gian lận bằng cách tự công bố sai hàm lượng đường trong sản phẩm, cần nghiên cứu quy định bắt buộc kiểm nghiệm độc lập đối với sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng cường hậu kiểm, lấy mẫu ngẫu nhiên trong thị trường và áp dụng chế tài mạnh hơn nữa với các hành vi gian lận, công bố sai chỉ tiêu chất lượng sản phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cũng đồng tình việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi vì, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng, định hướng trong việc tiêu dùng của người dân.

Hiện nay, đại biểu cho biết, thói quen tiêu dùng, đặc biệt trong thế hệ trẻ rất đáng báo động đối với các loại nước ngọt có đường hàm lượng cao, thức ăn nhanh cùng với những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh. Đó cũng là những hồi chuông cảnh báo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cho thế hệ trẻ, có thể chưa có hệ lụy trước mắt nhưng về lâu dài, thậm chí 10 năm, 20 năm sau thì tình trạng sức khỏe của thế hệ trẻ như thế nào, cần có sự vào cuộc của Nhà nước để có sự điều chỉnh về hành vi tiêu dùng của người dân.

Cũng theo đại biểu, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng chưa phải là "một chiếc đũa thần" ngay tức khắc có thể thay đổi được thói quen tiêu dùng, mà công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ngành Y tế phải có những cảnh báo để người dân có thể hiểu được những tác hại trong việc lạm dụng những sản phẩm này.

Bộ trưởng Tài chính: Đáng lẽ phải đánh thuế sớm hơn

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo nhận được rất nhiều ý kiến.

Theo Bộ trưởng, có những căn cứ rất rõ ràng để cân nhắc việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường theo hàm lượng là 5g/100ml. Tổ chức Y tế thế giới đã có báo cáo rất chi tiết, cụ thể đối với các quốc gia, trong đó có khuyến cáo Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiêu thụ nước đường ngày càng lớn và dẫn đến nguy cơ béo phì.

Theo thống kê hiện nay lượng đường mà chúng ta tiêu thụ đã lên 46,5% đường tự do/ngày, và phần lớn đến từ nước giải khát có đường, đây chính nguyên nhân dẫn đến béo phì và thừa cân. Chính vì thế, WHO đã khuyến nghị tất cả các nước, trong đó có Việt Nam phải áp dụng tối thiểu là 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay có 107 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này và tại ASEAN thì 7/11 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tính cả Đông Timor.

Từ thực tiễn thế giới và thực trạng của Việt Nam như thế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đáng nhẽ phải đánh thuế sớm hơn, không thể để thế hệ con em của chúng ta đến lúc béo phì, đến lúc bệnh rồi mới bàn. Bộ trưởng cũng cho biết, những loại nước sẽ không bị đánh thuế bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau quả nguyên chất và sản phẩm từ ca cao...

Cần có lộ trình rõ ràng

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) nhìn nhận, việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế thể hiện định hướng chính sách đúng đắn, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và xu hướng nhiều nước đã thực hiện, nhằm hạn chế tiêu dùng đồ uống có đường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống béo phì và bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về cơ sở kỹ thuật áp dụng. Ví dụ, viện dẫn chính xác tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng hoặc quy định rõ hơn đơn vị đo lường, cách xác định hàm lượng đường và cơ quan có thẩm quyền giám định.

Đồng thời, bổ sung quy định về mức ngưỡng tối thiểu áp dụng theo lộ trình. Ví dụ, từ năm 2027 áp dụng thuế đối với sản phẩm có hàm lượng đường lớn hơn 8g/100ml, từ 2029 hạ dần về 5g/100ml nhằm tạo thời gian để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thích ứng thay đổi công thức sản xuất.

Bên cạnh đó, xem xét miễn giảm thuế đối với các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, sử dụng đường tự nhiên hoặc không đường hóa học, hoặc các loại nước dinh dưỡng chuyên dùng cho trẻ em, người già, người bệnh có xác nhận của cơ quan y tế.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) phân tích, áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% ngay lên nước ngọt có đường mà thiếu lộ trình, sẽ gây sốc cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có ga.

Vì vậy, đại biểu đề nghị lùi thời điểm áp thuế 1 năm, áp 8% năm đầu và 10% các năm tiếp theo. Giải pháp này giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, người dân thay đổi dần thói quen, Nhà nước đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe và hài hòa lợi ích của các bên.

Bạn đang đọc bài viết Nước giải khát có đường: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thương mại điện tử Việt Nam "khát" nhân lực thực chiến
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam bùng nổ nhưng lại đối mặt nghịch lý "khát" nhân sự trầm trọng. Trong khi doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm người có kỹ năng thực chiến, sinh viên mới ra trường vẫn loay hoay lời giải cho bài toán này?
Giá xăng giảm nhờ thuế VAT xuống còn 8%
Theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, mặt hàng xăng được giảm thuế từ 10 xuống còn 8%. Do đó, giá xăng đã giảm tại kỳ điều hành ngày 1/7/2025.

Tin mới

Méo mặt "ôm" đất chờ lên quận
Trước thông tin 5 huyện ngoại thành Hà Nội sắp lên quận, nhiều nhà ôm đất chờ tăng giá kiềm lời. Nay, sắp xếp địa phương 2 cấp, bỏ cấp trung gian (quận, huyện), nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Khi môi giới bất động sản bị ép “cắt máu”
Khi thị trường bất động sản trầm lắng, ít giao dịch, nghề môi giới cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng người mua yêu cầu môi giới phải "cắt máu", trích lại một phần hoa hồng mới đồng ý ký hợp đồng mua bán ngày càng nhiều.
Từ ngày 1/7, mức phạt chậm nộp tờ khai thuế có thể lên tới 25 triệu đồng
Theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2020, hành vi chậm nộp tờ khai thuế bị xử phạt theo các mức tăng dần, tùy thuộc vào thời gian chậm trễ và mức độ vi phạm. Đây là quy định quan trọng trong công tác quản lý thuế, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.