Những 'nhà cái' làm giá, giật dây, thao túng thị trường vàng
Các chuyên gia chỉ ra rằng có những "nhà cái" đang là những kẻ "giật dây" thao túng giá vàng trong nước thời gian qua. Để thị trường vàng bình ổn, ngoài việc đưa những kẻ thao túng giá ra ánh sáng, cũng cần phân rõ vai trò quản lý của những bên liên quan.
Ai đang giật dây giá vàng?
Tại tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế”, PGS – TS Nguyễn Hữu Huân cho biết: “Một trong những điểm đặc trưng của thị trường vàng Việt Nam là giá mua, bán của hàng chục tiệm vàng khác nhau trên cả nước khá tương đối nhau, chênh lệch không đáng kể.
Nguyên nhân là vì các tiệm vàng nhỏ lẻ sẽ mua vàng từ các đầu mối vàng sỉ, hay còn gọi là 'nhà cái'. Đây là nhóm nắm giữ lượng vàng rất lớn trên thị trường, có thể điều tiết giá vàng lên hoặc xuống. Nói cách khác, chính những nhà cái này là market maker, tức những nhà tạo lập thị trường hoặc tiêu cực hơn là những nhà đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường cũng như gây khó khăn cho công tác bình ổn thị trường vàng của cơ quan quản lý", ông Huân lý giải.
PGS – TS Nguyễn Hữu Huân cũng nhấn mạnh, những “nhà cái” này đã tồn tại và kiểm soát thị trường vàng từ trước khi có Nghị định 24. Những đối tượng này kiểm soát tất cả mọi loại hình vàng, từ vàng miếng đến vàng nhẫn, thậm chí là cả vàng nguyên liệu.
Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Xuân Hòe nhận định, chính những “nhà cái” này là nguyên nhân dẫn đến việc thị trường vàng “dậy sóng” và tỷ giá tăng nóng trong thời gian qua.
“Hiện tượng thuê người xếp hàng mua vàng, thuê người đăng ký mua vàng khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn cho người dân cũng là dấu hiệu cho thấy các ‘nhà cái’ đang tìm cách tác động lên thị trường vàng”, ông nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng vẫn còn tình trạng cố tình găm, giữ vàng vẫn còn khi các cửa hàng lớn không có vàng để bán. Theo ông, thị trường vàng chỉ có thể thực sự bình ổn nếu những “nhà cái” này được đưa ra ngoài ánh sáng.
Vàng nhẫn đang bị buông lỏng?
Bên cạnh việc giải quyết các “nhà cái” thao túng giá vàng, các chuyên gia cũng cho rằng cần phân vai quản lý rõ ràng và có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan để bình ổn thị trường vàng.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, hiện tại, thị trường vàng miếng SJC độc quyền đang do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý. Trong khi đó, thị trường vàng trang sức do Bộ Công thương quản lý.
“Chỉ có duy nhất vàng nhẫn chưa biết do ai quản lý. Chính điều này đã dẫn đến nhiều ‘biến tướng’ trên thị trường vàng nhẫn trong thời gian qua. Cần phải có sự phân vai rõ ràng, tránh trường hợp để đến khi xảy ra vấn đề thì không có ai đứng ra chịu trách nhiệm”, ông Ánh kiến nghị.
Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, đã đến lúc cần xóa bỏ câu chuyện độc quyền vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước.
Ông cho rằng: “Nghị định 24 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra ban đầu và giờ là lúc cần phải thay đổi và xóa bỏ độc quyền vàng miếng. Đã là vàng 9999 thì vàng SJC, vàng DOJI hay vàng Bảo Tín đều như nhau, chỉ cần đơn vị chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ có giám định và công nhận về chất lượng, hàm lượng vàng”.
Về phần vàng nhẫn, các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ nên xây dựng quy định rõ ràng về vàng nhẫn. Chẳng hạn như nếu coi vàng nhẫn là vàng trang sức thì cần quy định hàm lượng vàng nguyên chất phải dưới 75% hoặc 61%, tránh tình trạng lách luật, biến tướng, mang danh vàng nhẫn nhưng tỷ lệ vàng nguyên chất lên đến hơn 99%.
Sau khi đã phân vai quản lý rõ ràng, điều cần làm tiếp theo là sự phối hợp giữa các bộ, ngành cùng quản lý thị trường vàng.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, khi thị trường vàng trong nước “nổi sóng”, cơ quan quản lý chưa kịp tìm ra cách bình ổn thì vàng nhập lậu đã dồn dập “về nước” và được bán lại cho các tiệm vàng. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, không cơ quan nào có thể “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến này, ông cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Hòe, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ban, ngành để kiểm soát những giao dịch bất minh trong mua, bán vàng cũng là điều cần lưu tâm trong công cuộc bình ổn thị trường vàng. Chỉ có như vậy, việc quản lý thị trường vàng mới có thể đi từ A đến Z chứ không phải đi từ A rồi dừng lại ở D.
Song, ông Hòe cũng thừa nhận đây là một quá trình dài hơi, không thể thực hiện ngay lập tức.
“Cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và việc làm sạch dữ liệu là một thách thức không nhỏ. Việc xác định bộ, ban, ngành nào sẽ chịu trách nhiệm tích hợp toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế là rất quan trọng. Hơn nữa, không phải bên nào cũng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu”, ông nói.
Khánh Tú