Xuất khẩu chè Việt Nam: Kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm 2025
Dù trải qua một nửa đầu năm với nhiều thách thức, ngành chè Việt Nam vẫn đứng trước kỳ vọng phục hồi rõ nét trong 6 tháng cuối năm 2025, nhờ vào đà tăng trưởng tại các thị trường chủ lực và nỗ lực nâng tầm chất lượng, xây dựng thương hiệu chè Việt trên trường quốc tế.
Giá chè xuất khẩu giảm nhẹ, nhưng không mất đà kỳ vọng

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), xuất khẩu chè trong tháng 6/2025 đạt khoảng 11,5 nghìn tấn, trị giá 20,5 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với tháng 5/2025. Tuy nhiên, so với cùng kỳ tháng 6/2024, xuất khẩu giảm 18% về lượng và giảm 23,9% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, lượng chè xuất khẩu đạt 57,9 nghìn tấn, trị giá 97 triệu USD, giảm lần lượt 6,6% và 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.674 USD/tấn, giảm nhẹ 2%.
Cơ cấu chủng loại vẫn xoay quanh hai dòng chính: chè đen và chè xanh – chiếm tới 95,4% tổng lượng xuất khẩu. Cụ thể, chè đen đạt 22,8 nghìn tấn, trị giá 29,7 triệu USD, tăng 2,2% về lượng và 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Chè xanh đạt 21,6 nghìn tấn, trị giá 40,3 triệu USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 8% về trị giá.
Một số chủng loại khác có tỷ trọng thấp nhưng ghi nhận diễn biến đáng chú ý. Chè ô long đạt 461 tấn, trị giá 1,7 triệu USD, tăng 23,2% về lượng và 24,7% về trị giá. Ngược lại, chè ướp hoa giảm mạnh 54,1% về lượng và 56,5% về trị giá.
Giá chè xuất khẩu bình quân trong 5 tháng đầu năm đạt 1.646,5 USD/tấn, nhỉnh hơn 0,1% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia sản xuất chè lớn như Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka.
Biến động giá qua các tháng cho thấy xu hướng phục hồi nhẹ. Từ mức thấp nhất 1.545,7 USD/tấn trong tháng 11/2024, giá chè dần phục hồi lên 1.693,7 USD/tấn vào tháng 5/2025.
Thị trường phân hóa rõ nét, nhiều cơ hội chờ đón
Pakistan tiếp tục là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với 13,8 nghìn tấn, trị giá 26,1 triệu USD, tăng 13,7% về lượng và 7,1% về trị giá. Đây là thị trường tiêu thụ ổn định, chuộng hương vị đậm và có giá cả phù hợp.
Tiếp theo là Trung Quốc, nhập khẩu 4,9 nghìn tấn, trị giá 7,7 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và 14,6% về trị giá. Đài Loan đứng thứ ba với 4,6 nghìn tấn, trị giá 7,9 triệu USD. Một số thị trường khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Nga, Mỹ, Iran và Iraq đều ghi nhận mức nhập khẩu đáng kể.
Đáng chú ý, thị trường Iraq tăng trưởng mạnh, với 1.743 tấn và 2,7 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ả Rập Xê Út và Ấn Độ cũng có mức tăng ấn tượng, lần lượt tăng 53,6% và 52% về lượng.

Ngược lại, một số thị trường sụt giảm đáng kể như Iran (giảm 61,2% về lượng), UAE (giảm 55%), Ba Lan (giảm 55,6%) và Papua New Guinea (giảm 88,2%).
Thị phần chè Việt tại các thị trường nhập khẩu lớn như Thổ Nhĩ Kỳ và Anh vẫn còn rất nhỏ. Trong 4 tháng đầu năm, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 5,9 nghìn tấn chè (trị giá 13,7 triệu USD), trong đó Việt Nam chỉ chiếm 0,14%. Tại Anh, Việt Nam chỉ cung cấp 0,2% tổng lượng chè nhập khẩu trong quý I/2025.
Thị trường thế giới cũng đang có nhiều biến động đáng chú ý. Tại Mỹ, chính sách thuế mới khiến chè Trung Quốc bị áp thuế đến 35%, làm giảm xuất khẩu 12,3% về lượng và 18,6% về trị giá trong 4 tháng đầu năm. Một số nước như Ấn Độ, Sri Lanka đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào Mỹ.
Kenya, một trong những nước xuất khẩu chè lớn đang đối mặt với sụt giảm doanh thu do sản lượng giảm sau hạn hán, đồng thời đình chỉ chứng nhận Rainforest Alliance do chi phí cao. Trong khi đó, Azerbaijan vừa ban hành Luật Trồng chè, siết chặt quy định về sản xuất, chế biến và nhập khẩu chè, trong đó cấm nhập khẩu chè biến đổi gen.
Hướng tới sự bền vững: Chất lượng – Công nghệ – Thương hiệu
Dưới tác động của những biến động khó lường trên thị trường quốc tế, các chuyên gia nhận định ngành chè Việt cần một cuộc đổi mới toàn diện – không chỉ ở khâu sản xuất, chế biến mà còn trong cách tiếp cận thị trường và chiến lược phát triển dài hạn.
Nhằm nâng cao hiệu quả, mở rộng quy mô xuất khẩu và hướng đến sự phát triển bền vững, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời áp dụng các quy chuẩn như VietGAP, GlobalGAP là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ, thúc đẩy canh tác an toàn sẽ góp phần nâng giá trị chè Việt và bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng bền vững đang lan rộng toàn cầu.
Chất lượng là nền móng, nhưng thương hiệu mới là chìa khóa để chè Việt vươn xa. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông, xây dựng hình ảnh sản phẩm có bản sắc, từ đó nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về giá trị của chè Việt. Việc tận dụng các nền tảng thương mại điện tử, kết hợp linh hoạt với các hình thức tiếp thị kỹ thuật số sẽ giúp mở rộng mạng lưới phân phối, đặc biệt trong bối cảnh hành vi tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh mẽ sang không gian số.
Đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại cũng là hướng đi tất yếu – nhất là với các dòng sản phẩm giá trị cao như chè ô long hay chè matcha. Không chỉ cải thiện chất lượng đầu ra, công nghệ còn giúp tối ưu chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, việc xây dựng các chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu suất sản xuất và giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần chủ động hội nhập bằng cách tham gia các hội thảo, diễn đàn chuyên ngành để kịp thời cập nhật xu hướng, chính sách mới, từ đó điều chỉnh linh hoạt chiến lược xuất khẩu. Đặc biệt, việc theo sát diễn biến tại các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Đông Nam Á sẽ giúp chè Việt nắm bắt cơ hội, vượt qua rào cản tiêu chuẩn và khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.