Bộ Công an kiến nghị siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu vàng
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Góp ý vào dự thảo này, Bộ Công an đề xuất nhiều nội dung nhằm tăng cường quản lý, giám sát hoạt động sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng miếng, phòng ngừa rủi ro và ngăn ngừa hành vi trục lợi chính sách.
Cụ thể, Bộ Công an đề nghị bổ sung cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm đối với các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng, bao gồm cả hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu. Bộ kiến nghị bắt buộc các đơn vị này thực hiện kiểm toán độc lập chuyên đề định kỳ hằng năm đối với các hoạt động liên quan đến sản xuất và xuất nhập khẩu vàng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định tối thiểu 3 hoặc 5 năm một lần, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thanh tra thị trường vàng và các tổ chức có hoạt động kinh doanh vàng, có sự phối hợp của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với hoạt động cấp phép xuất nhập khẩu vàng miếng và gia công vàng miếng, Bộ Công an cho rằng cần làm rõ mục đích, tính chất của việc cấp phép, đồng thời đặt vấn đề liệu có cho phép đơn vị sản xuất vàng miếng được thuê đơn vị khác (trong nước hoặc nước ngoài) gia công. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhiều ngân hàng thương mại hiện không sở hữu xưởng sản xuất vàng trực tiếp.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước giải trình rằng, dự thảo đã quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị sản xuất vàng miếng, bao gồm công bố tiêu chuẩn, khối lượng, hàm lượng sản phẩm và chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng vàng miếng, kể cả trong trường hợp thuê gia công.
Ngoài ra, Bộ Công an còn kiến nghị tăng cường chế độ báo cáo định kỳ về hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Theo đó, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu phải báo cáo định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng hoặc năm về việc sử dụng vàng nguyên liệu để phục vụ công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cho biết nội dung này đã được quy định tại Điều 20 dự thảo và sẽ được cụ thể hóa tại thông tư hướng dẫn.
Một trong những nội dung quan trọng khác được Bộ Công an đề xuất là xem xét việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia hoặc sàn giao dịch vàng trong Trung tâm tài chính quốc tế. Bộ cho rằng dự thảo nghị định chưa đề cập đến nguồn lực vàng trong dân và lộ trình thực hiện các sàn giao dịch này. Cơ quan công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu bổ sung, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho định hướng chính sách lâu dài.
Để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công an còn đề xuất thành lập Trung tâm thẩm định vàng quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, với chức năng thẩm định chất lượng các sản phẩm vàng miếng, vàng nguyên liệu và vàng trang sức mỹ nghệ.
Bộ cũng đề xuất siết quản lý số seri vàng miếng, yêu cầu ghi nhận thông tin seri trên các chứng từ trong giao dịch để tăng minh bạch và phòng ngừa gian lận. Đồng thời, cần nghiên cứu cơ chế quản lý giá vàng miếng, trong đó các doanh nghiệp phải công bố, giải trình được cơ chế thiết lập, thay đổi giá trong ngày và lưu trữ các tài liệu liên quan, bao gồm cả dữ liệu điện tử.
Bộ Công an cũng đề xuất cơ chế can thiệp vào thị trường khi cần thiết, cùng với việc bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng để ngăn ngừa tình trạng thao túng giá, độc quyền hoặc hình thành lợi ích nhóm trong hoạt động kinh doanh vàng.
Đáng chú ý, Bộ Công an cảnh báo về nguy cơ “giấy phép mẹ - giấy phép con” trong dự thảo, nhất là đối với cơ chế cấp hạn ngạch sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm hoặc từng lần. Việc này có thể dẫn đến tiêu cực trong cấp phép, độc quyền phân phối và khó kiểm soát hoạt động vượt hạn mức, mua bán giấy phép nếu thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ.
Cuối cùng, về rủi ro biến động giá vàng, Bộ Công an cho rằng, cần làm rõ cơ chế cho phép doanh nghiệp cân trạng thái vàng, chốt giá trong ngày. Nếu không có biện pháp phòng ngừa rủi ro, doanh nghiệp có thể gánh chịu thiệt hại lớn do giá vàng thế giới biến động, đồng thời hạn chế khả năng tham gia nhập khẩu vàng để can thiệp thị trường theo định hướng của Nhà nước. Nguy cơ phát sinh hành vi trái quy định pháp luật nhằm cân trạng thái vàng là điều cần được lường trước.
T.An (t/h)