Chuẩn bị tăng loạt phí với xe chạy xăng: Bước đi mạnh mẽ hướng tới giao thông xanh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, yêu cầu thành phố Hà Nội triển khai một loạt giải pháp cấp bách nhằm giảm ô nhiễm môi trường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc điều chỉnh chính sách thu phí đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đây được xem là bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông tại Thủ đô.
Theo chỉ đạo, Hà Nội cần nghiên cứu, xây dựng lộ trình tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số và giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với ô tô, xe máy sử dụng xăng, dầu. Mốc triển khai đầu tiên dự kiến bắt đầu từ quý III/2025 và sẽ điều chỉnh định kỳ hằng năm. Chính sách này nhằm tạo ra chênh lệch đáng kể về chi phí sở hữu giữa phương tiện chạy xăng, dầu với xe điện và các phương tiện năng lượng sạch.

Chỉ thị cũng đưa ra các mốc thời gian cụ thể để tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe chạy nhiên liệu hóa thạch trong nội đô Hà Nội. Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, mô tô, xe máy chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Từ 1/1/2028, phạm vi cấm được mở rộng tới toàn bộ khu vực trong Vành đai 2, đồng thời hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng, dầu. Đến năm 2030, lộ trình tiếp tục tiến tới khu vực trong Vành đai 3.
Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, Thủ tướng giao Hà Nội xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, đồng thời phát triển mạnh hạ tầng kỹ thuật như hệ thống trạm sạc điện, mạng lưới xe buýt điện và tàu điện kết nối các khu vực dân cư đông đúc và các đầu mối giao thông quan trọng. Đề án vùng phát thải thấp cũng phải được công bố trong quý III/2025.
Về mặt kinh tế, chính sách tăng phí trước bạ và các khoản liên quan sẽ tạo ra sức ép tài chính lớn đối với người sử dụng xe chạy xăng, dầu. Hiện tại, lệ phí trước bạ tại Hà Nội đối với ô tô con sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang là 12% giá trị xe, phí đăng ký biển số là 20 triệu đồng. Với một chiếc xe giá 1 tỷ đồng, chủ xe phải chi ít nhất 120 triệu đồng chỉ cho phí trước bạ. Nếu mức này tiếp tục tăng, tổng chi phí sở hữu xe sẽ càng cao.
Trong khi đó, xe điện hiện được miễn lệ phí trước bạ đến hết ngày 28/2/2027, giúp người tiêu dùng tiết kiệm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng so với xe xăng, dầu. Không chỉ vậy, xe điện còn được kỳ vọng được ưu đãi thêm về phí đăng ký, biển số và giá trông giữ xe tại khu vực trung tâm. Chính sách này sẽ góp phần làm tăng mức độ hấp dẫn của xe điện trên thị trường.
Đồng thời, từ quý IV/2025, Hà Nội sẽ thí điểm cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại nhà hàng, khách sạn, quán ăn trong phạm vi Vành đai 1, tiếp tục mở rộng chuỗi chính sách thân thiện với môi trường đô thị.
Bức tranh thị trường xe cũng đang phản ánh xu hướng này. Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh số bán xe máy tại Việt Nam đạt hơn 1,28 triệu xe, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, thị trường xe máy có dấu hiệu bão hòa và chịu áp lực lớn từ việc các đô thị lớn như Hà Nội dần siết chặt kiểm soát khí thải. Với khoảng 284.000 xe máy đang tồn kho, việc tiêu thụ xe xăng có thể sẽ chững lại mạnh trong thời gian tới.
Ngược lại, ở mảng ô tô, tổng doanh số bán ra toàn thị trường đạt hơn 163.000 xe trong 6 tháng đầu năm, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thương hiệu như VinFast với xe điện ghi nhận mức tiêu thụ ấn tượng với 67.569 xe. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tỷ lệ ô tô điện, hybrid, xe xanh tại Việt Nam sẽ chiếm 18 - 22% tổng thị phần, tương đương khoảng 180.000 - 242.000 xe.
Như vậy, Chỉ thị 20 của Thủ tướng không chỉ là biện pháp hành chính nhằm xử lý ô nhiễm môi trường, mà còn là chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Việc tăng phí đối với xe chạy nhiên liệu hóa thạch là một “cú hích” chính sách cần thiết, giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các phương tiện ít phát thải như xe điện, xe đạp và phương tiện công cộng tại Thủ đô trong những năm tới.
P.T