0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 04/04/2024 08:46 (GMT+7)

Nhiều công trình xây dựng sai phép lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn?

Theo dõi KT&TD trên

Theo hồ sơ thể hiện, Khách sạn Mia Saigon do Công ty TNHH Đầu Tư KAT làm chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình như nhà hàng, hồ bơi… không nằm trong danh mục được cấp phép, vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) TP.HCM ban hành Công văn về việc cung cấp thông tin về công trình bến thủy nội địa KAT của Công ty TNHH Đầu tư KAT (Công ty KAT) thuộc công trình Khách sạn Mia Saigon, địa chỉ tại số 2-4 Đường số 10, phường An Phú, thành phố Thủ Đức.

Theo Sở GTVT, ngày 11/9/2023, UBND TP. Thủ Đức có Công văn số 5390/UBND-QLĐT về việc cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn Thành phố Thủ Đức gửi Sở, trong danh mục đề xuất các vị trí quy hoạch bến thủy nội địa mới có vị trí bến thủy nội địa KAT của Công ty KAT .

Nhiều công trình xây dựng sai phép lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn? - Ảnh 1
Toàn cảnh khách sạn Mia Saigon của Công ty KAT làm chủ đầu tư.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật vị trí bến thủy nội địa trên vào Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Tại công văn số 3019/SGTVT-QLĐT của Sở GTVT thể hiện: “Hiện nay, bến thủy nội địa KAT của Công ty KAT chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động bến thủy nội địa”.

Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông Vận tải ghi rõ: “Việc đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa đã được phê duyệt. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa chưa có trong quy hoạch hoặc có sự khác nhau so với quy hoạch, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp thuận”.

Nhiều công trình xây dựng sai phép lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn? - Ảnh 2
Nhiều công trình không được cấp phép được xây dựng tại khách sạn Mia Saigon.

Cũng theo Công văn của Sở GTVT: “Việc cấp phép xây dựng hồ bơi, nhà hàng tại Khách sạn MIA không thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông Vận tải”.

Theo hồ sơ được biết, Khách sạn Mia Saigon được Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng số 179/GPXD, ngày 05/9/2017 cho Công ty KAT. Theo đó, Công ty KAT được phép xây dựng công trình khách sạn trên thửa đất 2.227,8 m2 tại địa chỉ số 2-4, đường số 10, khu phố 4, phường An Phú, quận 2 với mật độ xây dựng 50,4%, hệ số sử dụng đất là 3,01 lần.

Giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng cũng thể hiện: Chỉ giới đường đỏ: trùng ranh lộ giới đường Đoàn Hữu Trung (20m), đường số 10 (10m) và hành lang bảo vệ sông Sài Gòn (50m); chỉ giới xây dựng: cách chỉ giới đường đỏ đường Đoàn Hữu Trung và đường Số 10 tối thiểu 3m, cách ranh giới đất còn lại tối thiểu 2m (tức chỉ được xây dựng cách hành lang bảo vệ sông Sài Gòn tới 50m+2m). Số tầng: 01 tầng hầm liên thông, 01 khối 04 tầng và 01 khối 7 tầng.

Nhiều công trình xây dựng sai phép lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn? - Ảnh 3
Cảng thủy nội địa chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương.

Tuy nhiên, Giấy phép của Sở Xây dựng không thể hiện việc cấp phép cho Công ty KAT xây dựng các hạng mục như: nhà hàng, hồ bơi, quầy bar… tại Khách sạn Mia Saigon.

Theo báo cáo gửi Sở Tài nguyên Môi trường, Công ty KAT cũng thừa nhận: “Diện tích khu đất: 2.227,8 m2 (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyển sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH 62391 ngày 25/4/2017 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp; Quyết định số 6345/QĐ-UBND ngày 06/12/2016 của Uỷ ban nhân dân Thành phố). Diện tích đất hợp thửa (chưa trừ lộ giới các tuyến đường và hành lang bảo vệ sông Sài Gòn) sau khi Công ty TNHH Đầu tư KAT nhận chuyển nhượng từ các nhà dân là: 2.320,16 m2. Trong đó: Diện tích đất vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, lộ giới: 92,36 m2. - Diện tích đất phù hợp sử dụng: 2.227,8 m2…”.

Theo ghi nhận của Phóng viên, Khách sạn Mia Saigon đã được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, ngoài công trình chính là khối nhà 7 tầng và khối nhà 4 tầng thì tại khuôn viên khách sạn còn có một số công trình như hồ bơi, nhà hàng, bến thủy nội địa nằm ngay sát mép sông Sài Gòn.

Nhiều công trình xây dựng sai phép lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn? - Ảnh 4
Bờ sông Sài Gòn đang bị lẫn chiếm để phục vụ kinh doanh.

Việc chủ đầu tư dự án khách sạn Mia Saigon là Công ty KAT tự ý xây dựng nhiều công trình không nằm trong danh mục được cấp phép và vi phạm ranh giới hành lang bảo vệ sông Sài Gòn rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý tránh việc làm ảnh hưởng tới dòng sông biểu tượng của TP.HCM

Được biết, Công ty TNHH Đầu Tư KAT được thành lập vào tháng 10/2014 tại TP.HCM với ngành nghề đăng ký chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết: Kinh doanh bất động sản).

Đến khoảng tháng 08/2016, vốn điều lệ Công ty KAT đạt 55 tỷ đồng. Trong danh sách thành viên có sự góp mặt của cổ đông Lâm Di Linh với 0,1% và bà Tạ Thiên Nga (còn được biết đến với tên gọi khác là Julie Thien Nga Lam - vợ ông Don Di Lam, người đồng sáng lập và hiện là Giám đốc Điều hành Tập đoàn Quản lý Quỹ VinaCapital) sở hữu đến 99,9% cổ phần còn lại.

Tại thời điểm tháng 5/2020, vốn điều lệ Công ty KAT đạt 165 tỷ đồng. Lúc này, bà Tạ Thiên Nga nắm giữ 99,939%, còn Lâm Di Linh sở hữu 0,061%. Hiện nay, bà Bùi Thị Hoàng Quỳnh (sinh năm 1983) đang giữ vai trò giám đốc, kiêm người đại diệp pháp luật Công ty KAT.

Ngoài Công ty KAT, bà Tạ Thiên Nga còn giữ vai trò cổ đông, và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp khác như Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển du lịch Cam Ranh.

Nhiều công trình xây dựng sai phép lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn? - Ảnh 5
Mặt trước của khách sạn Mia Saigon tại đường số 10, phường An Phú, TP Thủ Đức.

Bà Tạ Thiên Nga còn là Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm Phan có địa chỉ trụ sở chính ở TP.HCM. Bà Nga còn đứng tên tại Công ty TNHH MTV Đầu tư Thiên Lâm. Công ty này thành lập vào năm 2011, có địa chỉ trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, bà Nga còn là Giám đốc và sở hữu đến 97,5% vốn của Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo (Khánh Hoà). Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo thành lập năm 2008, vốn điều lệ hiện nay đạt 39 tỷ đồng.

Liên quan đến Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo, theo tìm hiểu, vào ngày 30/10/2015, ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định số 3079/QĐ-UBND để giao cho Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo thuê 36.764,7m2 đất và 71.031,8m2 đất có mặt nước ven biển tại khu Ba Lố, thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm để dử dụng vào mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái (đất thương mại dịch vụ) nhưng không thông qua đấu giá. Khu đất này đang được kinh doanh dịch vụ du lịch với tên gọi Mia Nha Trang Resort...

Về vấn đề xử lý vi phạm hành lang bảo vệ sông, kênh rạch trên địa bàn TP.HCM, vào tháng 8/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM ông Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các Sở ngành, đơn vị liên quan về việc quản lý, khai thác các tuyến kênh rạch trên địa bàn.

Chủ tịch TP.HCM đã chỉ đạo, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà ở, công trình sai phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn các tuyến sông, kênh rạch.

Ông Mãi cũng giao các lực lượng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không xây dựng, lấn chiếm, xả rác xuống các tuyến sông, kênh rạch theo chỉ thị số 19 của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước".

Ngoài ra, giao UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện sẽ tăng cường lực lượng cán bộ chuyên trách có chuyên môn phù hợp trong lĩnh vực quản lý sông, kênh rạch, công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, đảm bảo công tác thanh tra, xử lý vi phạm được phát hiện kịp thời, xử lý chấm dứt tình trạng sai phạm trong hoạt động xây dựng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương được giao tăng cường kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm trong phạm vi hành lang bảo vệ sông, kênh rạch.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến thảo luận và thông qua Luật Xây dựng. Trong đó, cũng đã đặt rất nhiều vấn đề về vi phạm trong xây dựng, kể cả các công trình của chủ đầu tư, công trình dân dụng của người dân, lẫn vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép, sửa giấy phép, rồi “phạt cho tồn tại”...

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, tình hình “phạt cho tồn tại” thời gian qua đã diễn ra ở khắp nơi trên cả nước. Do việc chấp hành của người dân cũng như của cơ quan quản lý nhà nước không nghiêm đã dẫn đến luật pháp, kỷ cương không nghiêm. Không ít những tình trạng người dân xây dựng không giấy phép, xây dựng không đúng với giấy phép, hoặc có những công trình được xây dựng trên khu vực đất được sử dụng sai mục đích... Điều đó cho thấy sự quản lý của cơ quan nhà nước lỏng lẻo, thiếu kiểm tra hoặc có trường hợp là tiêu cực, là cố ý “lơ đi” sai phạm.

Cho nên, việc nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của cơ quan quản lý là cực kỳ quan trọng trong việc lập lại trật tự kỷ cương đối với lĩnh vực xây dựng”.

Thạch Phạm - Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Nhiều công trình xây dựng sai phép lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Đầu tư hơn 363 tỷ đồng vào 3 dự án trọng điểm
Tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết về việc bổ sung hơn 363 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn ngân sách Trung ương. Quyết định này nhằm triển khai ba dự án trọng điểm, bao gồm cả lĩnh vực y tế, hạ tầng cơ bản và phát triển du lịch.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến triển khai xây dựng vào năm 2027, hoàn thành vào năm 2035, với chiều dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến tổng vốn hơn 67 tỉ USD.
Khám phá lễ hội chè Việt Nam: Nét đẹp văn hóa từ những đồi xanh
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những đồi chè bát ngát mà còn thu hút du khách bởi các lễ hội chè mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Những sự kiện này không chỉ tôn vinh người trồng chè mà còn góp phần quảng bá hình ảnh chè Việt trên thị trường quốc tế.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.