Nhà ở xã hội phương án “cứu cánh” cho dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản
Trong bối cảnh thị trường BĐS đang đóng băng như hiện nay, thực hiện dự án ở nhà ở xã hội được xem là một “phương án” cứu cánh cho dòng tiền của doanh nghiệp BĐS. Bởi phân khúc này, được rất nhiều người lao động quan tâm, đặc biệt có sự hỗ từ Chính phủ.
Cầu luôn lớn hơn cung
Thống kê của Savills Hà Nội cho thấy, trên thực tế nguồn cung nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp hiện vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu thực tế của công nhân lao động, còn thiếu hụt tới 70%.
Còn theo một nghiên cứu mới đây của Batdongsan.com.vn thực hiện trên 1.000 đáp viên thuộc nhóm đối tượng có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, về việc họ phản ứng ra sao với thông tin về các dự án nhà ở xã hội năm 2023. Có khoảng 26% đáp viên cho biết họ đang tích cực tìm kiếm thông tin về dự án nhà ở xã hội, 27% trong đó bị động chờ đợi thêm thông tin rồi mới tính toán và 24% cho biết họ không kỳ vọng nhiều vào sự chuyển biến của nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ở nhóm đối tượng có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng, có đến 36% đáp viên chia sẻ sự hào hứng với thông tin, tích cực tìm kiếm dự án và mong muốn có những chính sách phù hợp để họ tiếp cận được nhà ở xã hội.
Trong báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết 01 vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, bộ đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án.
Đến nay các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2.
Bên cạnh đó các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.
Theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2030 cả nước sẽ xây dựng khoảng 1.062.200 nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 428.000 căn hộ, và trong giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành xây dựng khoảng 634.200 căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp.
Như vậy, tính cả các dự đã hoàn thành và đang triển khai mới chỉ chiếm khoảng hơn 1/3 so với mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Nhiều khuyến khích cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội
Theo nhận định VnDirect, nhà ở xã hội có thể trở thành phương án “cứu cánh” dòng tiền cho các nhà phát triển bất động sản với gói tín dụng lãi suất thấp. Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng giống như “cơn mưa giữa trời nắng hạn”, có thể giải tỏa khó khăn cho người mua nhà.
Gói tín dụng này được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại; thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.
Bộ Xây dựng cho biết đã có 23 dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, một số dự án đang được ‘rục rịch’ giải ngân.
Đến nay, ngân hàng BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng. Còn đại diện Ngân hàng Agribank cho biết, đã cam kết cho vay với 1 dự án và đang tiếp cận gần 10 dự án khác.
Vào cuối tháng 7, khi đến thăm, làm việc tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân tại xã Thụy Hòa và xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhấn mạnh, nhà ở là vấn đề quan trọng hàng đầu với mỗi người, bởi có an cư mới lạc nghiệp.
Thủ tướng Hoan nghênh Bắc Ninh là tỉnh tích cực triển khai thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Với tinh thần làm mẫu tại Bắc Ninh, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các địa phương khác, Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản làm việc với tỉnh Bắc Ninh để nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về việc phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, đề xuất sửa đổi nghị định số 100 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và thông tư 09/2021 của bộ về nhà ở xã hội theo trình tự, thủ tục rút gọn để nhanh chóng có hiệu lực.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, nghiên cứu, hướng dẫn các điều kiện vay để người xây nhà và người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tháo gỡ, đề xuất các giải pháp liên quan đến thủ tục đất đai nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Còn phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, về quan điểm, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp đầu ngành bất động sản như Tập đoàn Hưng Thịnh, Vinhomes, Novaland, Becamex IDC, Hòa Bình… đã công bố xây dựng hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho công nhân và người thu nhập thấp.
Đây có thể là một trong những phương án hay để doanh nghiệp phát triển bất động sản tìm kiếm dòng tiền trong bối cảnh thị trường đang đóng băng, phân khúc bất động sản cao cấp như biệt thự/nhà phố khó thanh khoản như bây giờ.
Nhiều chuyên gia nhận định: Ngoài giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của người dân, sức nóng của nhà ở xã hội cũng sẽ lan tỏa tới các phân khúc bất động sản khác, giúp thị trường bất động sản lấy lại sự sôi động.
Cần tháo gỡ rào cản để nhà ở xã hội “bứt tốc”
Thời gian gần đây có không ít doanh nghiệp bất động sản đã thể hiện sự quan tâm đối với phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản khiến cho lượng doanh nghiệp tham gia sân chơi này chưa đạt được nhiều như kỳ vọng.
Chia sẻ trên Batdongsan.com.vn, Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch, kiêm CEO Kim Oanh Group – Doanh nghiệp mới công bố tham gia đường đua phát triển nhà ở xã hội cho hay, phát triển nhà ở xã hội không dễ và phải đối mặt với nhiều thách thức. Khó khăn đầu tiên là khách hàng chưa tiếp cận được ưu đãi chính sách gói 120.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay vẫn chưa phù hợp với đại đa số người có nhu cầu mua nhà.
Tiếp theo là đối tượng được mua nhà ở xã hội. Hiện tại, mức thu nhập của người mua nhà ở xã hội theo quy định đang là rào cản với người có nhu cầu nhưng thu nhập cao hơn quy định. Còn với những hộ nghèo và cận nghèo, thu nhập sẽ lại không đủ để trả tiền vay mua nhà ở xã hội hàng tháng sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt. Vì vậy họ không dám đi mua.
Một rào cản nữa là thủ tục đầu tư nhà ở xã hôi vẫn chưa rõ ràng, khó đáp ứng. Doanh nghiệp BĐS mong muốn Nhà nước có thể tinh giản các thủ tục, tạo điều kiện giúp các chủ đầu tư triển khai dự án nhanh, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người dân.
Cuối cùng là việc giới hạn đối tượng người mua nhà phải có hộ khẩu tại địa phương đó. Điều này tạo khó khăn khi mà TP.HCM và các tỉnh lân cận có rất đông nhu cầu nhà ở là đến từ nhóm lao động nhập cư sinh sống làm việc.
Trước những bất cập về việc phát triển nhà ở xã hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát tối cao năm 2024, trong đó có việc phát triển nhà ở xã hội. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp người lao động dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nhà ở xã hội, các doanh nghiệp có thêm động lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ công nhân.
Trả lời trên báo Vietnamplus, ông Nguyễn Ngọc Sơn (đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn về mặt phát luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng trong quá trình tổ chức triển khai cần tập hợp các kiến nghị cụ thể để việc triển khai thực hiện mang tính thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đến tới doanh nghiệp, để làm sao hài hòa được lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
H. An