0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Chủ nhật, 27/08/2023 07:09 (GMT+7)

Tổng liên đoàn Lao động 'ôm' làm chủ đầu tư nhà ở xã hội: Coi chừng cán bộ lại vi phạm

Theo dõi KT&TD trên

Đề xuất Tổng liên đoàn Lao động tham gia xây nhà ở xã hội nhận nhiều ý kiến lo ngại từ các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó có Phó chủ tịch Trần Quang Phương.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở cho công nhân là rất cần thiết.

"Coi chừng cán bộ lại vi phạm”

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tổng liên đoàn Lao động ôm làm nhà ở xã hội Coi chừng cán bộ lại vi phạm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Báo cáo nội dung này của Thường trực Ủy ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho thấy nhiều nội dung vẫn còn hai loại ý kiến, trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ năm, bên cạnh một số vị tán thành, một số ý kiến đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân mà trách nhiệm này thuộc về UBND cấp tỉnh.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án nhà ở của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hình thức sở hữu nhà ở hình thành sau dự án.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật nêu, tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA ngày 3/8/2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tham gia thực hiện dự án nhà ở với tư cách là cơ quan chủ quản, mà không phải trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án; đồng thời chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án này sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn. Nhà ở cho thuê được quản lý vận hành như đối với nhà ở do Nhà nước đầu tư.

Tổng liên đoàn Lao động ôm làm nhà ở xã hội Coi chừng cán bộ lại vi phạm
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tại Thường trực Uỷ ban này tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê theo đề xuất nói trên.

Lý do tán thành là để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người có thu nhập thấp, vừa giới hạn phạm vi thực hiện dự án nhà ở xã hội của chủ thể này để tăng tính khả thi.

Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài, nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp.

Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, cho thuê nhà ở xã hội...

Một số ý kiến cho rằng, không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Tùng báo cáo.

Vì, vấn đề này chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả thực hiện dự án, khả năng bảo toàn vốn.

Với cơ chế như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (nguồn vốn là tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm), thì sẽ không có đủ nguồn lực để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế công đoàn.

Các ý kiến này cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Liên quan tới trách nhiệm của chủ đầu tư dự án thương mại trong phát triển nhà ở xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất hai phương án.

Phương án 1, giữ quy định như hiện hành và cũng được đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra chọn. Tức chủ đầu tư làm dự án thương mại tại đô thị đặc biệt, loại I, II và III sẽ phải dành quỹ đất trong dự án làm nhà ở xã hội, hoặc dùng quỹ đất ở vị trí khác, hay góp bằng tiền. Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng giai đoạn. Với đô thị bình thường, UBND cấp tỉnh đưa ra tiêu chí với chủ đầu tư.

Phương án 2, giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, là chủ đầu tư không phải có trách nhiệm làm nhà ở xã hội, mà do UBND tỉnh đảm trách. Đây là phương án Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ.

Góp ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết ông không đồng tình với việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

“Nên giao cho cơ quan hành chính - UBND tỉnh, UBND huyện nơi có công nhân hoặc doanh nghiệp làm chủ đầu tư” - ông Phương nói và cho rằng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị, xã hội là giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách công nhân cho tốt.

“Tổng Liên đoàn Lao động không ôm việc này, vì không khéo không hoàn thành nhiệm vụ mà coi chừng cán bộ lại vi phạm” - ông Phương nói.

Tổng liên đoàn Lao động ôm làm nhà ở xã hội Coi chừng cán bộ lại vi phạm
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Tổng liên đoàn Lao động không nên 'ôm' làm nhà ở xã hội.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cân nhắc, trao đổi thêm về vấn đề này. Theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua. Trong khi đó, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động.

Vì vậy, nếu muốn quy định nội dung này trong dự luật, Chủ tịch Quốc hội gợi ý nên chỉnh lý theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công doàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư nhà ở cho công nhân là cần thiết

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có buổi làm việc để giải trình nhiều vấn đề với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng để thảo luận, trao đổi, thống nhất về vấn đề này.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, đề xuất này của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.

Về mặt lý luận và sự cần thiết, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, một trong các vấn đề mà công nhân, người lao động quan tâm hàng đầu hiện nay là nhà ở. Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề của công nhân như điều kiện ăn ở, sức khỏe, môi trường sống, chăm sóc con cái, an ninh an toàn, xử lý các tình huống khủng hoảng như dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tạo an tâm cho người lao động để gắn bó với doanh nghiệp…

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung, thì rõ ràng rất cần thiết chúng ta phải thiết kế một đạo luật có khả năng thu hút và giải phóng nguồn lực để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.

Trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động, gắn bó mật thiết với đoàn viên.

Về mặt thực tiễn, trước thực trạng bức xúc về nhà ở của công nhân, theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.11.2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Tổng Liên đoàn đã báo cáo cơ quan chức năng và thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức triển khai ở các địa phương khác nhau, trong đó có khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ, đã cho công nhân thuê 100%.

Vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã về khảo sát thực tế, được chứng kiến điều kiện ăn, ở, cuộc sống… của người lao động. Trong quá trình vận hành đến nay không phát sinh những vấn đề lớn.

Việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg và Quyết định số 1729/QĐ-TTg được lãnh đạo và nhân dân các địa phương, nhất là công nhân rất ủng hộ, mong chờ; đến nay đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm khu đất cho Tổng Liên đoàn, trong đó có 13 đơn vị đã phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Định hướng đầu tư của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đó là chỉ xây dựng để cho thuê, với một số lượng rất ít trong nhu cầu lớn về nhà ở của công nhân. Đầu tư được ưu tiên ở những địa bàn cần kíp, khó khăn, có tính chất tượng trưng, vừa tham gia giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân, vừa khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn để tập hợp người lao động.

Nguồn vốn được lấy từ nguồn tiết kiệm chi hành chính theo Đề án 655 và từ Quỹ đầu tư của Tổng Liên đoàn. Cơ quan tổ chức thực hiện là Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn có năng lực chuyên môn tốt. Đến nay, hoàn toàn có đủ cơ sở quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở cho công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở.

“Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân vừa là vấn đề an sinh xã hội, vấn đề kinh tế, thúc đẩy đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn. Từ đó giúp Công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình” - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Tổng liên đoàn Lao động 'ôm' làm chủ đầu tư nhà ở xã hội: Coi chừng cán bộ lại vi phạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.