Nghị quyết 68 giúp giải bài toán khó nhất mà doanh nghiệp tư nhân đang vướng
Nghị quyết 68 đã tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đa dạng các nguồn vốn của ngành ngân hàng và các nguồn vốn khác.
Cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân
Trước thềm kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời như một bước ngoặt, là sự khẳng định của Đảng về vai trò then chốt, động lực quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tư nhân.
Trao đổi tại tọa đàm "Phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại trong thực hiện Nghị quyết 68" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Phi Lân - Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (Ngân hàng Nhà nước), Nghị quyết 68 đã tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đa dạng các nguồn vốn của ngành ngân hàng mà còn các nguồn vốn khác.
"Nghị quyết 68 đặt ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết 68 đã khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân xây dựng hệ thống, hệ sinh thái tài chính minh bạch, nâng cao năng lực quản trị", ông Nguyễn Phi Lân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cho rằng Nghị quyết 68 tạo cho các doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn, phù hợp với phân khúc thị trường mà các doanh nghiệp tư nhân đang theo đuổi, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đa dạng hóa nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro, tránh phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn của ngành ngân hàng.
Doanh nghiệp tư nhân có cơ hội để huy động các nguồn vốn khác từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Đồng thời có thể thực hiện các hình thức liên quan đến liên doanh, liên kết, cổ phần hóa, thực hiện thông qua các thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, cổ phiếu.
"Đối với ngành ngân hàng, một trong những vấn đề đặt ra là phải đồng hành cùng khu vực kinh tế tư nhân. Ngành ngân hàng phải nâng cao quản trị rủi ro, đảm bảo dòng vốn tín dụng được phân bổ hiệu quả, tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, những ngành mà khu vực kinh tế tư nhân đã và đang cần.
Ngành ngân hàng phải đổi mới công nghệ, phải ứng dụng số vào các dịch vụ tín dụng, phải để khách hàng trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm tốt hơn. Quy trình phải đơn giản hơn. Điều đó buộc ngành ngân hàng có sự đổi mới, phải thích ứng với sự thay đổi hiện nay.
Đồng hành nữa là ngành ngân hàng hỗ trợ tư vấn, giúp các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn vốn, thiết kế các sản phẩm tài chính chuyên biệt. Đồng thời, ngành ngân hàng phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt hơn, đảm bảo đúng chuẩn mực quốc tế, theo đúng thông lệ quốc tế", ông Nguyễn Phi Lân đánh giá.
Vốn là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp tư nhân
TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký của Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Nghị quyết 68 có rất nhiều điểm nổi bật, và có tác động rất quan trọng, đột phá đối với các doanh nghiệp tư nhân. Dưới góc nhìn của một người nhiều năm làm trong lĩnh vực này, sự khác biệt giữa Nghị quyết 68 đó là sự toàn diện, cụ thể và tính thực tiễn cao.

Trong Nghị quyết 68 có nhóm giải pháp được các doanh nghiệp trông chờ và đánh giá cao liên quan đến tiếp cận tín dụng, vốn. Bởi vì đây là một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
TS Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: "Tôi nhớ VCCI trong vòng 20 năm qua khi tiến hành các khảo sát, có hỏi doanh nghiệp rằng điều gì là khó khăn nhất, thì việc khó tiếp cận vốn luôn là khó khăn hàng đầu cùng với những vấn đề về thủ tục hành chính, về đất đai. Điều này thể hiện tầm quan trọng của những chính sách về tín dụng, vốn đối với doanh nghiệp".
Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh điểm bất lợi của doanh nghiệp Việt Nam là vốn. Nếu như các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... có thể tiếp cận được với những nguồn vốn chi phí thấp, rẻ, dài hạn, có thể lãi suất chỉ 2-3%/năm, doanh nghiệp Việt Nam không có được thuận lợi như vậy.
Trong khi đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam vay vốn ngân hàng với lãi suất cao và đầu tư dài hạn thì bài toán kinh tế không khả thi, không hiệu quả. Chi phí vốn quyết định chi phí kinh doanh, hiệu quả đầu tư rất lớn. Với tầm quan trọng như thế, VCCI đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng ta là cố gắng bình ổn lãi suất. Trong năm 2024, 2025, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tìm nhiều giải pháp để bình ổn, giảm lãi suất. Đây là một thành công lớn.
Tổ chức tín dụng là "bà đỡ" của nền kinh tế
Đại diện phía ngân hàng khẳng định sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp về vốn. Bà Nguyễn Bảo Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), chỉ ra theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2030, cả nước sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động.
Tức là, mỗi năm cần có thêm khoảng 200.000 doanh nghiệp mới ra đời. Đây chính là làn sóng khởi nghiệp quốc gia mà các ngân hàng hoàn toàn có thể tham gia hỗ trợ và đồng hành, từ đó mở rộng danh mục khách hàng, phát triển tín dụng một cách lành mạnh và bền vững.
Nghị quyết 68 là cầu nối quan trọng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ hợp tác dựa trên sự tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank khẳng định.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá các tổ chức tín dụng hiện nay đóng vai trò "bà đỡ" của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Các tổ chức tín dụng đang bị hạn chế vì 80-90% nguồn vốn huy động là nguồn vốn ngắn hạn - trong khi đó yêu cầu của thị trường bất động sản là nguồn vốn trung hạn và dài hạn, rủi ro này của các tổ chức tín dụng chúng ta phải chia sẻ.
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ và cả người dân của chúng ta có nhận thức rằng, bỏ vốn vào ngân hàng ở các kênh trung hạn, dài hạn để các ngân hàng có nguồn tốt hơn, an toàn hơn để cho vay, chuyển đổi trong xã hội. Từ đó, tăng thêm nguồn gửi tiền tiết kiệm trung hạn, dài hạn nhiều hơn, chúng mới đảm bảo cho tín dụng phát triển an toàn, bền vững, trong đó có thị trường bất động sản", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Ông Châu khuyến nghị, đối với các doanh nghiệp bất động sản thì phải uy tín sẽ được các tổ chức tín dụng đưa vào danh sách khách hàng uy tín… Tự thân các doanh nghiệp bất động sản phải tái cấu trúc lại doanh nghiệp, tái cơ cấu lại đầu tư, không dàn trải, chuyển hướng đầu tư sang phân khúc thị trường đáp ứng nhu cầu thực.
Đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỉ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng +3,87% so với tháng 12/2023).
Qua quá trình thống kê thì thấy rằng, có đến 100 tổ chức tín dụng đã phát sinh tỉ lệ dư nợ đối với khu vực kinh tế tư nhân. Và trong đó có khoảng 209.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có phát sinh dư nợ tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại. Điều đấy khẳng định dòng vốn tín dụng đã lan tỏa đến mọi phân khúc của các doanh nghiệp, mọi phân khúc của nền kinh tế.