0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 02/05/2025 18:26 (GMT+7)

Doanh nghiệp tư nhân cần "đường băng thể chế" để bứt tốc

Theo dõi KT&TD trên

Chính sách bao trùm và môi trường cạnh tranh công bằng sẽ là nền tảng giúp khu vực kinh tế tư nhân vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò là động lực then chốt của nền kinh tế.

Tăng trưởng ấn tượng nhưng liên kết còn rời rạc

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng 2025: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang bước vào giai đoạn tăng tốc, nhưng vẫn gặp không ít rào cản về thể chế, chính sách.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo, GS.TS Ngô Thắng Lợi - giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định rằng, khu vực tư nhân hiện đang phát triển với tốc độ cao, thể hiện qua doanh thu và quy mô vốn vượt trội so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực nhà nước.

Hiện tại, doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp gần 43% GDP và khoảng 35% tổng thu ngân sách nhà nước, chưa kể các hộ sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, sự phát triển này chủ yếu mang tính đơn lẻ. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như giữa các địa phương. Sự thiếu hụt các “cụm doanh nghiệp” và chuỗi giá trị khiến khu vực tư nhân chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác.

Doanh nghiệp tư nhân cần
Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Mô hình mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công là lấy doanh nghiệp lớn làm hạt nhân dẫn dắt, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò vệ tinh - điều này vẫn còn khá mờ nhạt tại Việt Nam.

Một vấn đề khác được GS.TS Ngô Thắng Lợi chỉ ra là sự bất bình đẳng trong hệ thống chính sách hiện hành. Mặc dù chỉ chiếm 35,6% lợi nhuận, khu vực kinh tế tư nhân lại đóng góp tới 45% tổng thu thuế. Trong khi đó, khối FDI chiếm 45% lợi nhuận, nhưng chỉ góp 30% vào nguồn thu thuế của Nhà nước.

Tính từ năm 2011, mức tăng thuế thu được từ khu vực tư nhân đã gấp 4 lần, so với 2 lần của doanh nghiệp FDI, dù quy mô doanh thu của khu vực tư nhân gấp đôi.

Sự chênh lệch này cho thấy chính sách thuế hiện nay chưa phản ánh đúng vai trò và đóng góp thực tế của khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp trong nước đang phải “gánh” phần không tương xứng, trong khi chưa nhận được sự hỗ trợ đủ mạnh từ thể chế.

Từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất một mô hình phát triển bao trùm cho doanh nghiệp tư nhân - hướng đến sự công bằng về tiếp cận nguồn lực, trong vận hành sản xuất - kinh doanh và trong phân phối thành quả, đặc biệt là chính sách thuế.

“Sếu đầu đàn” cần môi trường để bay xa

Không thể có sự phát triển bền vững nếu thiếu những chính sách riêng phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp. Các chuyên gia đề xuất, cần tạo cơ chế để doanh nghiệp tư nhân lớn đóng vai trò “sếu đầu đàn”, hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa cần được tạo điều kiện để mở rộng quy mô, còn doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể cần hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn. Đây là hướng đi phù hợp với nhiều quốc gia đang phát triển, đồng thời cũng là cách tăng cường sức bền cho khu vực tư nhân.

Năm 2023, khu vực tư nhân chiếm tới 72% trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất cả nước, một con số đầy ấn tượng. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh sáng đó là nhiều dấu hiệu cần cảnh báo.

Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân vẫn còn hạn chế. Năng suất lao động chỉ bằng 39% doanh nghiệp nhà nước và 67% doanh nghiệp FDI. Lợi nhuận bình quân còn thấp hơn nhiều so với các khu vực khác.

Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chỉ khoảng 10%. Thu nhập bình quân của người lao động cũng ở mức thấp, bằng 3/4 của khu vực nhà nước và chỉ bằng 2/3 so với khu vực FDI.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đang bị “chậm lớn”, khó mở rộng quy mô và đối mặt với nguy cơ rút lui khỏi thị trường. Điều này đòi hỏi phải có thay đổi lớn về tư duy và cách tiếp cận thể chế.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên là do cách hiểu và định nghĩa chưa đầy đủ về kinh tế tư nhân. Chính sách hiện nay vẫn chưa bao trùm toàn bộ các thành phần, đặc biệt là hộ kinh doanh phi nông nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp (với khoảng 16 triệu hộ), cũng như doanh nghiệp tư nhân của người Việt ở nước ngoài hoặc đầu tư ra nước ngoài. Việc xây dựng chính sách thể chế mà chưa tính đến các lực lượng này khiến sự phát triển của kinh tế tư nhân thiếu chiều sâu và chưa được hỗ trợ đúng mức.

Khu vực tư nhân đang có tiềm năng lớn để trở thành động lực trung tâm cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, để “cất cánh”, họ cần một đường băng vững chắc được tạo dựng từ thể chế công bằng, chính sách bao trùm và sự nhìn nhận đầy đủ từ phía nhà hoạch định. Chỉ khi đó, những “sếu đầu đàn” mới có thể bay cao.

Bảo Thoa

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp tư nhân cần "đường băng thể chế" để bứt tốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khách quốc tế bùng nổ, Vietnam Airlines lãi lớn
Sự bùng nổ của thị trường khách quốc tế cộng thêm giá nhiên liệu giảm giúp Vietnam Airlines ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I/2025 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 3.625 tỷ đồng.

Tin mới

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý kêu gọi người dân đầu tư
Thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình giá vàng trên thế giới có nhiều biến động, rủi ro khi tham gia đầu tư, tích trữ vàng tăng cao, các đối tượng lừa đảo đã lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội, lấy danh nghĩa các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý kêu gọi người dân đầu tư mua bạc tích trữ.
Hàng loạt đồ ăn không rõ nguồn gốc bán cho trẻ em bị thu giữ tại Hải Dương
Qua kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Thị Minh Thu ở đường Nguyễn Văn Linh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương), lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương thu giữ lượng lớn đồ ăn chế biến sẵn không hóa đơn, chứng từ phục vụ chủ yếu cho nhóm đối tượng là các em học sinh.
Top những xu hướng trà “gây bão” năm 2025
Năm 2025, trà không còn đơn thuần là thức uống – mà là phong cách sống. Từ Cold Brew mát lạnh đến Matcha thời thượng, Tea Shot tiện lợi hay trà làm đẹp dưỡng nhan, mỗi xu hướng đều phản chiếu khát vọng sống lành mạnh, cá tính và đầy cảm hứng của thế hệ mới.