TH khánh thành nhà máy chế biến sữa tại Nga: Bản lĩnh và khát vọng của doanh nghiệp tư nhân Việt
Sự kiện Tập đoàn TH chính thức khánh thành nhà máy chế biến sữa tươi sạch tại tỉnh Kaluga (Nga) ngày 11/5/2025 không chỉ đánh dấu một dấu mốc trong hành trình vươn ra thế giới của một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam...
mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tầm vóc, bản lĩnh và năng lực hội nhập của khu vực kinh tế tư nhân – đúng tinh thần mà Nghị quyết 68-NQ/TW vừa xác lập...

Một bước đi "chưa từng có tiền lệ"
Trong lịch sử hiện đại, việc một doanh nghiệp Việt đầu tư quy mô lớn, bài bản tại một nền kinh tế lớn như Nga là điều rất hiếm thấy. Tập đoàn TH dường như đã lựa chọn con đường khó – xây dựng từ đầu một tổ hợp nông nghiệp và công nghiệp chế biến sữa tại Kaluga, với tổng vốn đầu tư cam kết hơn 2,7 tỷ USD. Đến nay, họ đã đưa vào vận hành tổ hợp trang trại bò sữa và nhà máy chế biến công suất 1.000 tấn/ngày – trở thành một trong những nhà máy sữa tươi hiện đại và quy mô hàng đầu tại Nga.
Điều đáng nói là, bước đi này diễn ra trong bối cảnh địa – chính trị phức tạp, cạnh tranh chuỗi cung ứng toàn cầu gay gắt, và thị trường tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, chính trong những điều kiện đó, TH lại thể hiện một bản lĩnh khác biệt – dám chọn Nga làm “cửa ngõ” để hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời định vị thương hiệu Việt bằng chất lượng và chiến lược dài hạn.

Đất nước Liên Bang Nga tươi đẹp sở hữu tài nguyên nông nghiệp lớn, đất đai rộng, nước sạch dồi dào và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất nội địa – nhất là sau khi áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây.
Theo tìm hiểu, nhu cầu tiêu dùng sữa tại Nga rất cao. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người năm 2024 đạt hơn 250kg – cao nhất trong gần 30 năm. Trong khi đó, sản lượng nội địa chưa đáp ứng đủ, và người tiêu dùng Nga ngày càng ưu tiên các sản phẩm organic, nguồn gốc rõ ràng, giàu dinh dưỡng – đúng với thế mạnh của TH.
Từ Kaluga, các sản phẩm sữa không chỉ phục vụ thị trường Nga mà còn có thể tiếp cận các thị trường trong Liên minh Á-Âu (EAEU), Trung Quốc, Trung Á – những khu vực có nhu cầu lớn, rào cản kỹ thuật không quá cao, và đang có xu hướng tiêu dùng gia tăng.


Trong khi đó, nhà máy chế biến của TH tại Kaluga được thiết kế theo mô hình “từ đồng cỏ đến ly sữa”, vận hành bởi công nghệ châu Âu, đội ngũ quốc tế, nhưng giữ nguyên triết lý “sạch – tự nhiên – dinh dưỡng” từ Việt Nam.
Trang trại bò sữa ứng dụng tự động hóa, robot vắt sữa, công nghệ giám sát sức khỏe đàn bò và dinh dưỡng chính xác – đạt năng suất bình quân vượt mức 40 lít/con/ngày, tiệm cận chuẩn cao nhất thế giới.
Sản phẩm của TH tại Nga không chỉ là sữa tươi, mà còn bao gồm yogurt, kefir, phô mai, bơ, kem và các sản phẩm chức năng – hướng tới phân khúc tiêu dùng cao cấp. Điều này cho thấy TH không đơn thuần đi xuất khẩu sản phẩm, mà đang “xuất khẩu mô hình”, “xuất khẩu hệ giá trị”.

Doanh nghiệp tư nhân Việt và khát vọng lớn
Với sự kiện chính thức khánh thành nhà máy chế biến sữa tươi sạch tại tỉnh Kaluga (Nga) ngày 11/5/2025, TH đã làm được điều mà phần lớn doanh nghiệp Việt mới chỉ dừng lại ở ý tưởng – đầu tư ra nước ngoài một cách bài bản, có chiều sâu, với chuỗi giá trị khép kín, công nghệ hiện đại và chiến lược phát triển dài hạn. Không đi theo lối mòn của xuất khẩu thô, cũng không chỉ gia công dưới nhãn hiệu ngoại, TH chọn một hướng đi khó: xây dựng thương hiệu Việt trên đất nước bạn bằng năng lực thực chất, bằng sự kiên định về triết lý sản phẩm và bằng cam kết phát triển bền vững.
Từ một “startup nông nghiệp” hơn một thập kỷ trước, bước chân vào một lĩnh vực đầy thách thức như sữa tươi, TH Group đã lần lượt chinh phục thị trường nội địa, thay đổi thói quen tiêu dùng của hàng triệu người Việt, và giờ đây tiếp tục mở rộng ra không gian toàn cầu bằng chính mô hình mà họ đã chứng minh hiệu quả. Họ không chỉ bán sữa – mà xuất khẩu cả hệ thống quản trị, công nghệ, nhân lực, văn hóa doanh nghiệp và tư duy đổi mới.

Đây chính là biểu hiện sống động nhất cho tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW: khi kinh tế tư nhân không còn đứng bên lề mà đã bước vào trung tâm của chiến lược phát triển đất nước. Khi doanh nghiệp tư nhân được tin tưởng, được trao cơ hội và được tạo điều kiện, họ không chỉ làm tốt vai trò kinh doanh, mà còn có thể đảm nhiệm sứ mệnh lớn lao – kiến tạo giá trị quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự kiện TH đầu tư thành công tại Nga cho thấy một điều quan trọng: doanh nghiệp Việt không thiếu năng lực, không thiếu tầm nhìn – điều họ cần là một hệ sinh thái chính sách đủ mạnh mẽ, nhất quán và dài hơi để dám nghĩ lớn, làm lớn và chịu trách nhiệm lớn. Nếu được tiếp sức đúng cách, sẽ còn nhiều “TH thứ hai, thứ ba” sẵn sàng vươn xa và nâng tầm hình ảnh Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tái cấu trúc mô hình tăng trưởng theo hướng tự chủ – hội nhập – đổi mới sáng tạo, bước đi của TH Group không chỉ là một thành công riêng lẻ. Nó là minh chứng sống động cho khát vọng phát triển của tư nhân Việt, là lời khẳng định rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đi xa – nếu được truyền cảm hứng, tạo điều kiện và tin tưởng đúng lúc.
Công Minh