Ngành may vẫn đang trong tình trạng cầu thấp và có thể kéo dài sang năm 2024
8 tháng qua, lĩnh vực dệt may tiếp tục đối mặt với những khó khăn trên mọi phương diện. Xung đột địa chính trị nhiều nơi trên thế giới đã gây ra khủng hoảng về năng lượng khiến lạm phát tăng cao dẫn đến lực cầu thấp, các quốc gia đều giảm nhập khẩu do chính sách tiền tệ thắt chặt.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 3,81 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 6,2% so với tháng 6/2023.
Trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, giảm 10% tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) và giảm 9,6% tại thị trường Hàn Quốc.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 35%; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sơi tăng tới 67% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng tăng nhẹ 4% so với tháng 7/2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may cả nước đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, chỉ có duy nhất thị trường Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng 3%, đạt 2,23 tỷ USD. Các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt giảm 24%, 10%, 10%, và 7,7% so với giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022.
Nhận định về thị trường ngành may, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024. Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm.
“Với thị trường sợi quý III vẫn ở mức thấp tương đương quý II, quý IV cầu và giá sợi sẽ cải thiện nhẹ trên nền giá bông và xơ đầu vào, do đó các DN sợi có thể sẽ giảm bớt thua lỗ khi giá bông cao đã dùng hết, trong khi giá sợi gần như sẽ không biến động”, ông Vương Đức Anh thông tin.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn cả về thị trường và sản xuất kinh doanh, Vinatex cùng nhiều DN trong ngành đã đề ra các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại các đơn vị trọng yếu, đảm bảo năng suất, sức cạnh tranh để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Đối với thị trường sợi quý III/2023 dự báo vẫn ở mức thấp tương đương quý II, quý IV cầu và giá sợi sẽ cải thiện nhẹ trên nền giá bông và xơ đầu vào, do đó các doanh nghiệp sợi có thể sẽ giảm bớt thua lỗ khi giá bông cao đã dùng hết, trong khi giá sợi gần như sẽ không biến động.
Phân tích một số dự báo về tỷ giá 5 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch Vinatex, Lê Tiến Trường cho biết, mức độ mất giá của VNĐ so với các đồng nội tệ của các nước là rất thấp, trong đó VNĐ mất giá ở mức 1,48%, trong khi Nhân dân tệ (Trung Quốc) là 7,15%, Yên (Nhật) là 8,29%, đồng Tân Đài tệ (Đài Loan, Trung Quốc) là 5,59%…
Do đó, áp lực giảm giá VNĐ là rất lớn khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Đồng USD tăng giá và lãi suất cao hơn VNĐ sẽ xuất hiện rủi ro lớn hút dòng vốn ra khỏi Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện chưa phải thời vụ nhập khẩu phục vụ sản xuất giáng sinh, nhập khẩu hàng tiêu dùng dịp Tết, do đó thời gian tới cầu ngoại tệ sẽ tăng.
Với những dự báo trên, ông Trường dự báo, khả năng từ nay tới cuối năm VNĐ sẽ mất giá thêm 2% vào cuối năm 2023. Do đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, tránh làm biến động tỷ giá tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm.
Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, lãnh đạo Vinatex cho rằng: "Chưa có gì khởi sắc so với giai đoạn trước nhưng cũng không xấu hơn, bởi đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua"
Hiện, hơn một nửa khách hàng của Vinatex đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may sẽ tương đương 6 tháng đầu năm. Đối với ngành sợi vẫn mang tính rủi ro cao do cầu chưa lên hẳn, trong bối cảnh này, chỉ đơn vị nào chuẩn bị nguyên liệu và tổ chức sản xuất tương đối tốt sẽ hạn chế được thiệt hại.
Theo nhiều DN ngành dệt may, từ những khó khăn chung của ngành, bản thân các DN cần tiếp tục bám sát thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, tập trung vào khách hàng đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao; quy hoạch lại thị trường dệt may, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Với ngành may, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện gia công, tiếp tục sản xuất những sản phẩm chất lượng cao.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho rằng, các DN cần xác định linh hoạt trong điều hành, cấu trúc lại DN, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức sản xuất sản phẩm không phải là sản phầm truyền thống trong ngắn hạn. Quan trọng nhất ở thời điểm này là các DN cần cắt giảm toàn bộ chi phí khác, bảo toàn lực lượng lao động, đảm bảo đủ tiền lương cho người lao động…
Nhìn nhận các giải pháp để gỡ khó, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh trọng yếu, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex chỉ ra giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn kéo dài được các các DN cùng xác định, đó là tập trung xóa đơn vị năng suất thấp; sẵn sàng làm ở nhiều thị trường có đơn hàng nhỏ lẻ, giao hàng gấp và khách hàng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm chất lượng phục vụ khó.
“Các DN tổ chức sản xuất linh hoạt gắn với tái cấu trúc nhân lực, đảm bảo chất lượng người đứng đầu. Đặc biệt áp dụng hệ thống quản trị số để đáp ứng yêu cầu khách hàng nhanh nhất, thu hẹp khu vực không có giải pháp cải thiện một cách có tính toán để hạn chế thiệt hại. Đồng thời tìm kiếm sản phẩm cao cấp giảm phụ thuộc lao động, nhưng tập trung giữ chân lao động có chất lượng", ông Lê Tiến Trường cho hay.
Tiến Hoàng