Doanh nghiệp bán lẻ thuần Việt khẳng định được vị thế của mình trên “sân nhà”
Doanh nghiệp Việt thời gian đầu có thể bị choáng ngợp trước các “đại gia” bán lẻ ngoại nhưng gần đây họ đã định vị lại doanh nghiệp của mình, có những thay đổi lớn về tư duy quản trị, định hướng chiến lược.
Phát triển theo hướng hiện đại nên sức cạnh tranh đã được nâng lên rõ rệt, tạo được chỗ đứng vững chắc trên “sân nhà”.
Đó là nhận định của TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Thương Trường.
PV: Thị trường bán lẻ 6 tháng qua tiếp tục có những biến động mạnh cùng với xu thế của thị trường thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Bà đánh giá thế nào về những thuận lợi, khó khăn của ngành bán lẻ trong 2 quý vừa qua?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%).
Tổng cục Thống kê đánh giá, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây, và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Như vậy, nhìn vào số liệu có thể thấy, ngành bán lẻ mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thời hậu Covid-19, khi đơn hàng giảm, người dân tiết kiệm chi tiêu hơn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, đóng cửa nhiều điểm bán hàng… thậm chí đã có những doanh nghiệp lớn phá sản nhưng ngành vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt.
6 tháng qua, ngoài những yếu tố khách quan gây khó cho doanh nghiệp thì chính sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường nội địa giữa các doanh nghiệp bán lẻ cũng tạo nên những áp lực đào thải. Không chỉ doanh nghiệp nội mà cả những tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới cũng phải chấp nhận thua cuộc. Gần đây nhất, Parkson Vietnam nộp đơn phá sản, rút khỏi sau 18 năm có mặt tại Việt Nam hay trước đó vào năm 2019, Tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan đã quyết định rời thị trường Việt Nam do bị cạnh tranh quá khốc liệt, kinh doanh thua lỗ...
PV: Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, mở cửa thị trường, thời điểm đó, doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp ngành bán lẻ nói riêng được đánh giá là còn quá non trẻ về kinh nghiệm thương trường. Thế nhưng hơn 15 năm qua đặc biệt lại giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ và hậu Covid-19 đã trở thành “lửa thử vàng”, nhiều doanh nghiệp, tập đoànbán lẻ thuần Việt đã thực sự khẳng định được sức mạnh của mình trên “sân nhà”. Bà nghĩ sao về điều này?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Tôi khẳng định rằng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện nay chắc chắn đã được nâng cao hơn rất nhiều. Trong nhiều năm qua, đặc biệt giai đoạn dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt đã có những giải pháp thích ứng để trụ vững. Nếu đưa lên bàn cân về sức cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ thuần Việt với doanh nghiệp bán lẻ FDI, tôi đánh giá là ở mức tương đương. Doanh nghiệp FDI có thế mạnh về nguồn vốn, mạng lưới, thương hiệu… Doanh nghiệp Việt thời gian đầu có thể bị choáng ngợp trước các “đại gia” bán lẻ ngoại nhưng gần đây các doanh nghiệp Việt đã định vị lại doanh nghiệp của mình, có thay đổi lớn về tư duy quản trị, định hướng chiến lược, phát triển theo hướng hiện đại nên sức cạnh tranh đã được nâng lên rõ rệt, tạo được chỗ đứng vững chắc trên “sân nhà”.
Việc một số nhà đầu tư ngoại rút khỏi Việt Nam theo tôi không làm giảm đi sức hấp dẫn nguồn vốn ngoại vào thị trường Việt. Một số doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã rời đi như Auchan hay Parkson chỉ là số ít, đó cũng là điều hết sức bình thường bởi vì ở nơi hấp dẫn nguồn vốn thì chắc chắn sự cạnh tranh sẽ rất cao. Chính điều này, tôi nghĩ lại càng tăng thêm tính hấp dẫn những nhà đầu tư ngoại có kinh nghiệm thương trường khác chú ý đến thị trường Việt Nam.
PV: Tại thị trường Việt Nam hiện nay, theo bà loại mô hình bán lẻ nào đang thực sự đạt hiệu quả cao? Những xu hướng kinh doanh bán lẻ nào đang được doanh nghiệp chú trọng?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Trên thị trường nội địa hiện nay, những doanh nghiệp nội tạo được thương hiệu lớn, ghi được dấu ấn mạnh đối với người tiêu dùng phải kể đến hệ thống bán lẻ của Saigon co-op, WinCommerce, BRG, và nhiều nhà bán lẻ khác. Những doanh nghiệp này không chỉ phát triển mạnh về mạng lưới mà còn về phong cách làm việc, chất lượng dịch vụ cũng như đổi mới về mặt công nghệ. Cùng với đó, các tập đoàn lớn đến từ nhiều quốc gia như AEON Nhật Bản, Central Retail, Mega Market, Lotte… cũng đang không ngừng lớn mạnh về quy mô.
Còn về mô hình bán lẻ, theo một số nghiên cứu, chúng ta đang nghiêng về cửa hàng bán lẻ mini, nhỏ và đẹp, nở rộ các mini store. Tuy nhiên, tôi nghĩ mô hình nào cũng không tồn tại mãi mãi trên thị trường bán lẻ, thay vào đó sẽ luôn có sự biến động và thay đổi. Nhà bán lẻ nên chú ý đến hai hình thức kinh doanh. Thứ nhất, Doanh nghiệp cần nghiên cứu các mô hình bán lẻ đã có hoặc chưa có nhưng có thể phát triển trong tương lai nhờ vào thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Hình thức bán hàng qua livestream hiện đang được rất nhiều doanh nghiệp chú trọng, xem đây là một kênh bán hàng mang lại doanh thu lớn. Trước đây hình thức bán hàng này không phát triển nhưng gần đây nở rộ và nó cũng chứng tỏ là một kênh bán hàng hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người.
Thứ hai, định dạng bán hàng đã qua sử dụng hay còn gọi là hàng thùng. Đó là hướng mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới và ngay cả trong nước cũng đã bắt đầu chú ý. Sắp tới các nhà bán lẻ có thể sẽ tìm đến đến hình thức bán hàng này nhằm hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn.
PV: Kinh tế 6 tháng cuối năm tiếp tục được dự báo có nhiều biến động, bà có dự báo gì về ngành bán lẻ trong thời gian từ nay đến cuối năm?
TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Kinh tế 6 tháng cuối năm được dự báo tiếp tục gặp khó, nhu cầu tiêu dùng của người dân đã được cải thiện nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với các ngành khác, ngành bán lẻ sẽ có những cơ hội tốt hơn để tăng trưởng. Năm 2023, xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế. Người mua hàng sẽ trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số”, tiếp tục duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến.
Cùng với đó, mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm (Shoppertainment) sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới. Lượng bán hàng trung bình liên quan tới các nền tảng giải trí, streaming và các sản phẩm liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, việc cải tiến vận hành, quản trị doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cần được chú trọng. Sau thời gian chống chọi với dịch bệnh, các nhà bán lẻ bước vào thời kỳ khôi phục và tăng trưởng doanh thu, bước đầu chú trọng đến yếu tố duy trì và phát triển kinh doanh từ bên trong.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Minh Lê (thực hiện)