0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 13/03/2024 09:21 (GMT+7)

“ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn” bài toán chưa có lời giải

Theo dõi KT&TD trên

Mặc dù các ngân hàng đang nỗ lực hạ lãi suất cho vay song nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận do tình hình tài chính doanh nghiệp đã bị bào mòn.

Tăng trưởng tín dụng có đang bất thường?

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến hết 16/2, tăng trưởng tín dụng âm 1%. Đây cũng là lần thứ ba tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm 2024, trước đó tăng trưởng tín dụng âm chỉ xuất hiện trong các năm 2014, 2018.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng đang có yếu tố bất thường. Cụ thể, tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng âm, trong khi riêng tín dụng tháng 12/2023 tăng trưởng tới 4,56%, cho thấy có “yếu tố kỹ thuật” trong câu chuyện tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân là NHNN đang điều hành tín dụng bằng công cụ hành chính (room tín dụng), nên có thể vào dịp cuối năm, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh dư nợ lên cao để được cấp room tín dụng cao hơn vào năm sau.

Tuy vậy, theo các ngân hàng thương mại, tín dụng tăng trưởng âm 2 tháng đầu năm 2024 không có gì bất thường. Nguyên nhân kỹ thuật chỉ là một phần nhỏ, mà nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng giảm là yếu tố mùa vụ và do sức cầu của nền kinh tế yếu.

Ngoài nguyên nhân này, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, tín dụng giảm còn do doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng không thể tiếp cận vốn vay sau 2 năm suy kiệt vì Covid-19.

Giải bài toán ngân hàng ế vốn nhưng doanh nghiệp lại khó vay
Hiện tại, với khách hàng tốt có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng đang đua nhau để cho vay.

Ông Nguyễn Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, kiêm Chủ tịch Tập đoàn N&G cho biết, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian qua đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid -19, đứt gãy chuỗi sản xuất, thanh khoản nguồn vốn và chi phí sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong khi nhiều ngân hàng hạn chế cho vay.

“Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng TMCP hoạt động như doanh nghiệp, họ phải bảo toàn vốn và phải có lãi theo yêu cầu của cổ đông, nên phải chọn lĩnh vực nào đảm bảo về vốn và sinh lời mới đầu tư. Trong khi đó, ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ cần đầu tư dài hạn 9-12 năm mới phát triển ổn định và thành công”, ông Hoàng nêu thực tế.

Liên quan khó khăn về vốn của doanh nghiệp cũng như tình trạng ế vốn tại các ngân hàng, dự kiến, tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có hội nghị với chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại để bàn giải pháp mở rộng tín dụng và giảm lãi suất cho vay.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi công điện tới NHNN về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Công điện nêu rõ, mặt bằng bằng lãi suất cho vay đã giảm, nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt lãi suất huy động, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023.

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nguyên nhân căn bản dẫn đến tăng trưởng tín dụng âm trong các tháng đầu năm là do sự mở rộng tín dụng quá nhanh với các khoản vay ngắn hạn vào cuối năm trước.

Đầu tháng 12/2023, tăng trưởng tín dụng chưa tới 10% nhưng cuối tháng đã tăng lên trên 13%. Việc tăng trưởng gần 4% trong một tháng phần nhiều do yếu tố chủ quan nên có thể tiên liệu việc dư nợ sẽ giảm trong quý I là điều đương nhiên.

Tăng trưởng tín dụng âm phần nhiều do yếu tố kỹ thuật song không thể phủ nhận bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp. Theo báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), sau hai năm COVID-19 và hai năm đối diện với những bất ổn toàn cầu, sức khoẻ của doanh nghiệp bị bào mòn bởi những khó về đơn hàng, tiếp cận vốn, thủ tục hành chính, nguy cơ hình sự hóa...

Tình hình tài chính của doanh nghiệp bị bào mòn trong giai đoạn COVID-19, sau đó lại gặp liên tiếp các cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu tăng cao trong khi nhu cầu sụt giảm không có đơn hàng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào nợ xấu, không đủ điều kiện để tiếp tục vay nên tiếp cận tín dụng không hề đơn giản.

Tiếp tục giảm lãi suất, doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận vốn

Nghịch lý “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn” tiếp tục tái diễn tại nhiều ngân hàng. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hồi đồng Thành viên Agribank, cho biết mặc dù đã chủ động hạ lãi vay ngay từ đầu năm nhưng “ngân hàng vẫn đang đau đầu khi tiền gửi thì ùn ùn chảy vào nhưng tiền cho vay lại tăng rất chậm”.

Cụ thể, “tại Agribank, hiện huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay được hơn 80 đồng”. Nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa chưa được cải thiện kéo theo nhu cầu về vốn giảm khiến nhiều ngân hàng thương mại dư thừa vốn và phải gánh thêm chi phí trả lãi tiền gửi rất lớn, ông Ấn tiết lộ.

Giải bài toán ngân hàng ế vốn nhưng doanh nghiệp lại khó vay
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank.

Tại chương trình Đối thoại đầu tuần với chủ đề “Thực thi Luật các tổ chức tín dụng: Những băn khoăn của doanh nghiệp và ngân hàng" của báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thừa nhận nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, ngân hàng thừa vốn nhưng “đang đỏ mắt tìm khách vay”.

“Các doanh nghiệp đủ điều kiện rất dễ tiếp cận vốn với lãi suất vô cùng thấp nhưng trong bối cảnh vĩ mô như hiện nay, họ lựa chọn không mạo hiểm mở rộng đầu tư mà chỉ duy trì, chờ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trái lại, có những doanh nghiệp có nhu cầu vốn song ngân hàng lại không dám cho vay vì không thể đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Dù lãi suất có giảm nữa thì những doanh nghiệp này cũng không thể tiếp cận vốn tín dụng. Chỉ có số ít doanh nghiệp tốt có nhu cầu vay vốn thì các ngân hàng cũng tranh nhau để cho vay”, ông Hùng lý giải.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sắp được đưa vào thực thi sẽ hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp về vấn đề tiếp cận vốn tín dụng khi nhiều quy định về hoạt động của các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng hỗ trợ việc tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

“Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) một mặt là để hướng tới quản trị ngân hàng chặt chẽ hơn, nhưng đồng thời cũng hướng tới tạo điều kiện cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn”, ông Hùng khẳng định.

Để làm rõ nhận định này, ông Hùng lấy ví dụ: “Chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận vốn phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là một điểm mới. Nếu trước đây các doanh nghiệp này thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn do không có tài sản đảm bảo thì nay vẫn có thể được các ngân hàng cho vay”.

Để hiệu quả hơn, theo ông Hùng, “ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì ngân hàng phải cùng tìm cách khắc phục khó khăn như tiếp tục giãn nợ, hoãn nợ theo Thông tư 02. Còn đối với những doanh nghiệp không có khả năng phục hồi thì buộc phải rời khỏi thị trường chứ không phải lúc nào cũng để những doanh nghiệp này kêu không vay được vốn, không tiếp cận được vốn tín dụng”.

Ngoài ra, thêm một quy định được cho là sẽ có tác động đến việc tiếp cận vốn tín dụng đó là quy định giảm giới hạn cấp tín dụng.

Theo TS. Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định này chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Cụ thể, vốn của các ngân hàng lớn hiện rơi vào khoảng 70.000 – 80.000 tỷ đồng còn các ngân hàng tầm trung khoảng 35.000 – 50.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu giảm hạn mức cấp tín dụng xuống 10% thì khách hàng sẽ vay được khoảng 5.000 tỷ đồng.

“Giới hạn này không phải là thoải mái cho các doanh nghiệp bởi các dự án hiện nay như bất động sản, năng lượng, hạ tầng,… đều cần số vốn rất lớn. Do đó, với các dự án trên 5.000 tỷ, khách vay đã bắt đầu phải nghĩ đến chuyện hợp vốn”, ông Hòe lý giải.

Thêm vào đó, khái niệm nhóm khách hàng có liên quan mang nghĩa rất rộng, đơn cử như một tổng công ty có rất nhiều công ty con độc lập, trường hợp này rơi vào nhóm khách hàng có liên quan vì vậy hạn mức cấp vốn của ngân hàng cho tập đoàn này cũng eo hẹp, ông nói.

Trái lại, ông Hùng lại cho rằng việc giảm giới hạn cấp tín dụng không phải là vấn đề lớn. “Con số giảm giới hạn khoảng 2%/năm không có gì khó khăn cả. Nếu dự án tốt hoàn toàn có thể đặt vấn đề với các ngân hàng khác để đồng tài trợ. Một dự án tốt thì tại sao lại chỉ vay vốn ở một ngân hàng mà không để nhiều ngân hàng cùng quản lý", ông đặt ra câu hỏi.

Theo ông Hùng, vấn đề ở đây là các dự án phải thực sự có hiệu quả. Việc giảm tỷ lệ cho vay với thời hạn 5 năm theo tôi đánh giá là phù hợp. Quy định mới sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể bắt tay với nhau. Các ngân hàng phải đoàn kết, chặt chẽ, nếu thấy vượt quá giới hạn thì cần nghĩ đến việc chia sẻ dự án thay vì ôm tất để làm sao “khách hàng của một ngân hàng là khách hàng của tất cả các ngân hàng”.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn” bài toán chưa có lời giải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.