Sau khi lên 'đỉnh', lãi suất liên ngân hàng quay đầu giảm mạnh
Lãi suất liên ngân hàng trong tháng 2/2024 đã tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2023, tuy nhiên nhanh chóng quay đầu giảm mạnh. Diễn biến tăng vọt của lãi suất liên ngân hàng qua đêm cho thấy có hiện tượng thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng trước và sau dịp nghỉ Tết.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất liên ngân hàng trong tháng 2/2024 tăng mạnh nhưng đang có xu hướng hạ nhiệt dần về cuối tháng. Đây là diễn biến hoàn toàn trái ngược với cùng kỳ năm ngoái.
Trong phiên 29/2, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 1,46%/năm, giảm 0,94 điểm % so với ngày hôm trước. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 1 tuần trong phiên 29/2 cũng giảm xuống còn 1,71%/năm, thấp hơn 0,81 điểm % so với ngày 28/2. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 2 tuần cũng hạ 0,95 điểm %, xuống 1,72%. Lãi suất tại các kỳ hạn cao hơn như 1 tháng và 3 tháng không có nhiều biến động quá lớn, lần lượt ở mức 2,53% và 2,96%/năm trong phiên 29/2.
Mức lãi suất này đã giảm đáng kể so với mức đỉnh của năm 2024 là 4,14% ghi nhận ngày 21/2. Tuy nhiên, biến động tăng của lãi suất liên ngân hàng là yếu hơn ở các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 3-9 tháng không biến động nhiều trong tháng 2, đều giảm khoảng 0,2 điểm % so với mức trung bình của tháng trước.
Song song với diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã kích hoạt trở lại hoạt động bơm tiền qua kênh cầm cố trên thị trường mở với quy mô lớn hơn so với quy mô lẻ tẻ trong tháng trước.
Trong tuần 19-23/2, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày là 31.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 6.037,51 tỷ đồng trúng thầu với mức lãi suất 4%/năm. Ở cả hai phiên 20/2 và 21/2, số lượng thành viên tham gia dự thầu và trúng thầu chỉ là một thành viên.
Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết qua hai tháng đầu năm 2024, thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm.
"Nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ sau khi tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%", Phó Thống đốc cho biết.
Theo ông, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.
Năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng những diễn biến tăng vọt của lãi suất liên ngân hàng qua đêm cho thấy có hiện tượng thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng trước và sau dịp nghỉ Tết.
Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cho rằng tình trạng trên không đáng quan ngại và thanh khoản hệ thống có thể trở lại trạng thái bình thường trong tháng 3.
Lãi suất tiết kiệm giảm xuống dưới mức 6%/năm
Đầu tháng 3, biểu lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm tại nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa giảm lãi suất các kỳ hạn từ 0,1-0,3%/năm; trong đó giảm nhiều nhất là 0,3%/năm ở kỳ hạn 3 và 6 tháng, xuống còn lần lượt 3%/năm và 4,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại SHB giảm 0,2%/năm xuống còn 4,8%/năm và kỳ hạn 24 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 5,5%/năm.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 12 và 24 tháng cùng giảm 0,1%/năm xuống còn lần lượt là 5,1%/năm và 5,6%/năm.
Cũng có bước giảm 0,2%/năm lãi suất nhiều kỳ hạn, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) niêm yết biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất ở mức 2,95%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng; 4,6%/năm với kỳ hạn 6 tháng; 4,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 5%/năm với kỳ hạn 13 tháng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giảm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn; trong đó mức giảm mạnh nhất tới 0,6%/năm ở kỳ hạn 3 tháng, đưa lãi suất tiết kiệm xuống còn 3%/năm. VPBank giảm 0,2%/năm lãi suất kỳ hạn 6 tháng xuống còn 4,5%/năm; giảm 0,3%/năm lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 4,8%/năm.
Tại 4 ngân hàng lớn gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất huy động chưa có điều chỉnh.
Vietcombank và Agribank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng chỉ 1,7%/năm, thấp nhất hệ thống; lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng chỉ 2%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng chỉ 3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn tương ứng tại BIDV và VietinBank nhỉnh hơn 0,2%/năm so với các mức trên. Đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất niêm yết tại 4 ngân hàng này dao động từ 4,7-5%/năm.
Nhìn chung, đối với tiền gửi tiết kiệm thông thường kỳ hạn 12 tháng, một số ngân hàng đang niêm yết lãi suất cao nhất có Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) 5,5%/năm, NCB 5,1%/năm... Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất có thể kể tới Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) 4,8%/năm, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) 4,65%/năm... Với kỳ hạn từ 1-3 tháng, lãi suất cao nhất đang áp dụng tại BaoVietBank 3,85%/năm, Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) 3,8%/năm...
Tuy nhiên, đối với những khoản tiền gửi có giá trị lớn, ngân hàng cũng có những quy định riêng. Như tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), khi khách hàng gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 và 13 tháng, lãi suất áp dụng lên tới 10%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) áp dụng lãi suất 9,65%/năm cho các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng Giám đốc. Mức này đã giảm 0,5%/năm so với trước đó. HDBank cũng niêm yết lãi suất cao nhất 8,1%/năm áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tối thiểu từ 300 tỷ đồng.
Trước đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1-0,4%/năm tại nhiều kỳ hạn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank).
Theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất tiết kiệm ngay sau Tết Nguyên đán nhằm hút mạnh dòng tiền nhàn dỗi sau thời gian dài lãi suất liên tục giảm. Thêm nữa, theo xu hướng chung từ các năm trước, tín dụng sau Tết có nhiều khả năng sẽ tăng nhanh, kèm với việc các ngân hàng thương mại đã được giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng của cả năm 2024, đòi hỏi cần sẵn sàng nguồn vốn để cho vay. Dù tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm giảm nhưng được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi.
Trung Anh