Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 18 ngày 5/3 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Theo đó, Công điện của Thủ tướng nêu rõ, năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch COVID-19 còn tác động kéo dài.
Trong nước nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; sức ép lạm phát còn lớn; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023.
Do vậy để điều hành lãi suất, tín dụng nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bên liên quan.
Trong đó, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại.
Mục tiêu để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.
Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tín dụng, bao gồm cả vốn tín dụng ngoại tệ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh, bền vững nhưng thiếu vốn.
Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ngoại tệ.
Đồng thời thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
H.A