0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 13/11/2024 14:37 (GMT+7)

Ngân hàng thu về trăm tỷ nhờ bán vàng bình ổn

Theo dõi KT&TD trên

Các ngân hàng tham gia bán vàng bình ổn được hưởng mức chênh 1 triệu đồng/lượng sau khi mua vàng từ NHNN.

Ngân hàng thu lợi nhờ bán vàng

Theo báo cáo mới nhất của NHNN, từ 3/6 – 29/10, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC. Tổng cộng 305.600 lượng vàng SJC, tương đương khoảng 11,46 tấn vàng được cung ứng ra thị trường.

Đây là một trong những nỗ lực bình ổn giá vàng của NHNN thời gian qua. Theo quy định, 5 đơn vị trên sẽ bán vàng cho người dân với giá cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá mua từ NHNN. Nói cách khác, dù giá vàng có biến động lên, xuống như thế nào thì với việc chỉ bán ra, các đơn vị này vẫn được hưởng số tiền chênh lệch là 1 triệu đồng/lượng.

Với 305.600 lượng vàng SJC được NHNN bán ra, số tiền chênh lệch mà 4 ngân hàng và Công ty SJC “bỏ túi” trong gần 5 tháng qua lên tới 305,6 tỷ đồng.

Việc các ngân hàng chỉ bán ra mà không mua vào vàng miếng SJC từng là chủ đề gây tranh cãi. Theo nhận định của một số chuyên gia, bản chất của việc các ngân hàng chỉ bán ra mà không mua vào là để hạn chế người dân mua – bán vàng. Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 11/11, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng bày tỏ băn khoăn về việc các ngân hàng chỉ bán ra mà không mua vào vàng miếng SJC, gây khó khăn cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết các tổ chức tín dụng bán vàng là để bình ổn thị trường. Trước đó, các ngân hàng cũng từng khẳng định không đặt mục tiêu lợi nhuận khi tham gia bán vàng bình ổn.

Ngân hàng thu về trăm tỷ nhờ bán vàng bình ổn
Thống đốc NHNN cho biết các ngân hàng bán vàng là để bình ổn thị trường.

Giải thích thêm, lãnh đạo NHNN cho biết vàng không như ngoại tệ và việc kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng không hề dễ dàng. Để làm được điều này, các ngân hàng phải đầu tư trang thiết bị, nhân lực rất lớn.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM cũng cho rằng nhiều ngân hàng không có nghiệp vụ kinh doanh vàng.

Vị này lý giải, nếu chỉ mua vào mà không bán ra, các ngân hàng sẽ có một mức lợi nhuận mặc định để trang trải chi phí vận hành (như thời gian qua là 1 triệu đồng/lượng). Tuy nhiên, nếu vừa mua vừa bán, tức kinh doanh, ngân hàng sẽ phải cân đối trạng thái mua – bán để làm sao tránh rủi ro khi giá cả liên tục biến động.

Ngoài ra, do không có nghiệp vụ kinh doanh vàng nên các ngân hàng khó có thể phân biệt được vàng thật và vàng nhái – những sản phẩm ngày càng tinh vi, thậm chí còn qua mắt được nhiều nhân viên kiểm định “nhà nghề”.

“Nếu ngân hàng không có nghiệp vụ kinh doanh vàng mà tham gia mua vàng miếng sẽ dễ để lọt vàng nhái, qua đó kẻ xấu sẽ "hợp thức hóa" vàng nguyên liệu trôi nổi nhằm thu lợi nhuận khủng”, vị này cho hay.

Nên để ngân hàng là đầu mối nhập khẩu vàng

Trong chia sẻ với VietnamFinance, một thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, thay vì tham gia bán vàng bình ổn, NHNN nên để các ngân hàng quốc doanh là trung gian, đứng ra nhập khẩu vàng về để bán lại cho các đơn vị kinh doanh vàng.

“Các ngân hàng là những đơn vị có đủ nguồn lực, am hiểu về thị trường tài chính quốc tế nên có thể tránh được nhiều rủi ro khi nhập khẩu vàng. NHNN có thể điều chỉnh quota nhập khẩu vàng tăng, giảm tùy theo tình hình kinh tế vĩ mô và dự trữ ngoại hối. Thị trường vàng khi đó sẽ cân bằng cung – cầu, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng sẽ được thu hẹp”, ông nói.

Ngân hàng thu về trăm tỷ nhờ bán vàng bình ổn
Các ngân hàng hiện chỉ bán ra và không mua vào vàng miếng SJC.

Trên thực tế, chính sách giao cho các ngân hàng nhập khẩu vàng cũng được áp dụng tại Trung Quốc – một trong những thị trường vàng lớn nhất thế giới.

Hiện tại, Trung Quốc có 13 tổ chức tài chính, trong đó có 9 ngân hàng Trung Quốc và 4 ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép nhập khẩu vàng.

Theo quy định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ điều tiết và kiểm soát lượng vàng miếng được đưa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa thông qua việc phân bổ quota (hạn ngạch) cấp cho 13 tổ chức tài chính kể trên. Để được nhập khẩu vàng, các tổ chức tài chính phải cung cấp các tài liệu có liên quan về hệ thống kiểm soát rủi ro kinh doanh vàng nội bộ của mình, thông tin về khối lượng vàng tồn kho tại sở giao dịch vàng giao ngay,…

Tương tự, tại Malaysia và Thái Lan, việc nhập khẩu vàng chủ yếu được thực hiện bởi các ngân hàng được ủy quyền và các nhà giao dịch lớn trên thị trường. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia và Thái Lan chỉ đóng vai trò điều tiết, đảm bảo các đơn vị trên tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Như vậy, tại các thị trường này, ngân hàng trung ương không phải là đơn vị nhập khẩu vàng mà là cơ quan giám sát, điều tiết các hoạt động nhập khẩu và phân phối vàng.

Khánh Tú

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng thu về trăm tỷ nhờ bán vàng bình ổn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.
Chính sách hỗ trợ lớn về tài chính đã ngấm vào doanh nghiệp
Giai đoạn vừa qua, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền loạt các giải pháp trong lĩnh vực tài chính nhằm

Tin mới

Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.