Năm 2024: Nông sản Việt bứt phá kỷ lục, chinh phục thị trường toàn cầu
Năm 2024, nông sản Việt tạo dấu ấn mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu vượt kỷ lục, khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu. Từ rau quả đến thủy sản, mỗi mặt hàng đều góp phần nâng tầm thương hiệu nông nghiệp Việt, hướng tới phát triển bền vững.
Năm 2024 đang dần khép lại với một bức tranh kinh tế sáng màu, phản ánh tinh thần phục hồi mạnh mẽ và sự tăng trưởng tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nhìn lại chặng đường 11 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy “ba chân kiềng” gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng cùng tiến bước lên tầm cao mới. Như nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng hồi phục, “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước”, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong bối cảnh đó, xuất – nhập khẩu nổi lên như điểm sáng đặc biệt, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thống kê 11 tháng qua cho thấy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4%. Điều đáng chú ý là có tới 36 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, minh chứng cho việc không chỉ tăng về lượng mà còn nâng tầm chất lượng và giá trị gia tăng. Trong các ngành hàng chủ lực, nhóm máy vi tính, điện tử, linh kiện; máy móc, thiết bị và phụ tùng; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; rau quả; gạo; cà phê; tôm; hạt tiêu và cá tra đều tăng trưởng hai con số. Đáng ghi nhận, xuất siêu đạt 24,31 tỷ USD, thể hiện năng lực cạnh tranh ngày càng vững chắc của doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.
Đóng góp quan trọng vào thành tích này là nhóm nông - lâm - thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 56,74 tỷ USD, vượt kỷ lục 53,1 tỷ USD của năm 2023 và vượt cả chỉ tiêu 54 - 55 tỷ USD mà Thủ tướng đã giao. Nhóm này đã đạt xuất siêu gần 16,5 tỷ USD, tăng 52,8% so với năm trước, bằng gần 68% thặng dư của cả nền kinh tế. Xét riêng theo mặt hàng, có 7 nhóm nông - lâm - thủy sản đạt thặng dư thương mại trên 1 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, cà phê, gạo, tôm, cá tra và hạt tiêu đều vươn lên những cột mốc ấn tượng, có mặt hàng tăng trưởng xuất siêu lên tới hơn 30% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của các chuyên gia, khả năng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả năm 2024 có thể chạm ngưỡng 60 – 62 tỷ USD, thiết lập một kỷ lục mới. Đặc biệt, ngành rau – hoa – quả nổi lên như một ngôi sao sáng, với kim ngạch 11 tháng đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2023 và xuất siêu 4,56 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng trở thành “át chủ bài” khi chiếm tới 50% tổng kim ngạch ngành hàng này, đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu nông sản Việt trên bản đồ quốc tế. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm 66,5% thị phần xuất khẩu rau quả, tăng 28,7% so với cùng kỳ, cho thấy cơ hội khai thác sâu rộng hơn đối với thị trường tỷ dân này.
Nhìn về dài hạn, Việt Nam sở hữu những lợi thế riêng có: địa hình trải dài trên 15 vĩ độ, khí hậu nhiệt đới gió mùa đa dạng, đất đai màu mỡ, cùng người nông dân cần cù, sáng tạo. Sự phong phú về các loại cây ăn trái vùng miền, khả năng canh tác quanh năm, cùng với những nỗ lực không ngừng trong nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, cải thiện tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, truy xuất nguồn gốc… tất cả tạo nền tảng vững chắc để ngành rau quả vươn cao hơn. Mục tiêu trong năm 2024 đạt 7,2 - 7,5 tỷ USD xuất khẩu rau quả, vượt xa chỉ tiêu 6 - 6,5 tỷ USD của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không còn là một kỳ vọng mơ hồ mà dần trở thành hiện thực.
Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Đề án Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đã mở ra một chiến lược dài hơi và đồng bộ. Mục tiêu đạt 70 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản vào năm 2030, trong đó riêng ngành rau quả hướng tới 15 tỷ USD, là một tầm nhìn đầy tham vọng nhưng khả thi. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự phối hợp nhịp nhàng của “Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà vườn - Hệ thống ngân hàng”. Chuỗi giá trị cần minh bạch, có trách nhiệm, áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, xanh hóa sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ phát triển các giống cây trồng mới, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường Halal, cùng với việc đàm phán để tăng danh mục trái cây được xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Với nền móng vững chắc cùng chiến lược phát triển dài hạn, nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành rau quả nói riêng đang đứng trước cơ hội bứt phá. Năm 2024, trong hành trình chinh phục những đỉnh cao mới, mỗi bước đi của nông nghiệp đều hướng tới một nền kinh tế bền vững, hiện đại, có thương hiệu quốc tế và giá trị gia tăng cao. Tương lai tươi sáng của nông sản Việt đang mở ra, sẵn sàng cho những thành tựu to lớn trong thập kỷ tới.