0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 04/02/2025 09:51 (GMT+7)

Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân

Theo dõi KT&TD trên

Mùa xuân đến, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) như khoác lên mình tấm áo mới, vừa ngọt ngào, vừa đậm ấm hy vọng. Từ những đồi chè xanh mướt, trải dài đến những vườn cây trĩu quả, những vườn rau bạt ngàn, Mộc Châu đang viết nên trang sử mới, đầy thắm đỏ khát vọng vươn xa.

Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân - Ảnh 1

Cao nguyên trong hơi thở của thiên nhiên

Cao nguyên Mộc Châu, mỗi sáng bình minh đều khởi đầu bằng một bản giao hưởng thiên nhiên kỳ diệu. Khi ánh nắng vàng nhạt len lỏi qua màn sương mỏng, những đồi chè xanh mướt hiện ra với vẻ đẹp không chỉ làm say lòng người mà còn gợi lên cảm giác thanh thản và tràn đầy hy vọng. Từ trên cao nhìn xuống, những triền chè uốn lượn như những dòng sông xanh bất tận, bao quanh là sắc trắng tinh khôi của hoa mận và sắc hồng dịu dàng của hoa đào. Không khí se lạnh của cao nguyên hòa quyện cùng hương chè tươi mới, tạo nên một không gian mà mỗi hơi thở đều chứa đựng sự tinh khôi.

Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân - Ảnh 2

Nhưng ẩn sau vẻ đẹp ấy là cuộc sống đầy trăn trở của người dân. Họ là những người nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với đồng ruộng nhưng vẫn bị cuốn vào vòng quay của cái nghèo và lối sản xuất truyền thống.

Cách đây vài thập kỷ, người dân Mộc Châu sống chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa và một số diện tích chè manh mún. Dù đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ nhưng phương thức canh tác truyền thống khiến năng suất thấp, giá trị sản phẩm không cao. Những nông dân chân chất quanh năm gắn bó với đồng đất không thể thoát khỏi nghèo khó.

“Đất rộng, nhưng làm lụng mãi mà vẫn không đủ ăn. Chúng tôi chỉ mong sao có cách nào để thay đổi,” ông Nguyễn Văn Chứ, một người dân lâu năm tại xã Đông Sang, hồitưởng về thời gian khó khăn.

Những khó khăn ấy đã thôi thúc người dân và chính quyền địa phương tìm kiếm một hướng đi mới. Họ nhận ra rằng, thiên nhiên ưu đãi không phải là tất cả. Chỉ khi con người biết áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến cách làm, thì những tiềm năng của cao nguyên này mới có thể được khai thác triệt để. Và từ đây, một hành trình chuyển mình mạnh mẽ bắt đầu.

Chính sách thay đổi và bước chuyển mình mạnh mẽ

Qua các thời kỳ, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của chính quyền, cùng với sự đồng lòng và quyết tâm thay đổi của người dân, vùng đất Mộc Châu đã từng bước thoát khỏi cái bóng của lối sản xuất cũ kỹ. Những chính sách đổi mới, sự hỗ trợ từ các chương trình quốc gia và sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương đã dần mang lại những thay đổi đáng kể cho vùng đất này.

Trong những năm gần đây, nổi bật nhất phải kể đến Nghị quyết số 08-NQ/TU năm 2021 của tỉnh Sơn La, định hướng phát triển nông nghiệp bền vững và ứng dụng công nghệ cao, cùng với Đề án số 01-ĐA/HU của huyện Mộc Châu, tập trung đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất hữu cơ. Đây không chỉ là những chiến lược mang tính định hướng, mà còn là những hành động thiết thực để nâng tầm giá trị nông sản, đồng thời bảo vệ môi trường sống của cao nguyên.

Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân - Ảnh 3

“Đề án này không chỉ là một kế hoạch phát triển kinh tế, mà còn là lời hứa của chính quyền địa phương với người dân về một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu, nhận định. Theo ông, mục tiêu chính của Đề án là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất truyền thống.

Ngay từ khi bắt đầu, chính quyền huyện đã triển khai hàng loạt biện pháp đồng bộ. Các lớp tập huấn được mở ra, hướng dẫn người dân về ứng dụng công nghệ, ghi chép nhật ký đồng ruộng và tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, các hợp tác xã được khuyến khích thành lập để tạo điều kiện liên kết chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Luyến, người sáng lập Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên, nhớ lại: “Ban đầu, chúng tôi không hiểu VietGAP là gì, càng không biết phải ghi nhật ký như thế nào. Nhưng nhờ các buổi tập huấn, chúng tôi dần nhận ra rằng việc làm này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo niềm tin với khách hàng”.

Chính quyền cũng hỗ trợ về tài chính, giúp người dân xây dựng nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, và mua sắm các thiết bị phục vụ sản xuất. Số liệu thống kê đến cuối năm 2023, huyện Mộc Châu đã đạt 5/7 chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ cao, với diện tích nhà kính và nhà lưới lên đến gần 80 ha. Diện tích tưới tiết kiệm đạt hơn 600 ha, và hơn 1.300 ha đất canh tác được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên - Biểu tượng của sự thay đổi

Trong những ngày đầu xuân, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang tràn ngập sắc xanh của những luống rau mơn mởn. Nơi đây, Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên đã trở thành biểu tượng cho sự đổi mới của nông nghiệp Mộc Châu. Dẫn dắt bởi bà Nguyễn Thị Luyến, HTX đã đi từ những khó khăn ban đầu để trở thành một trong những mô hình tiêu biểu về nông nghiệp công nghệ cao.

Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân - Ảnh 4

Hành trình của HTX bắt đầu từ năm 2010, khi bà Luyến và 7 người phụ nữ khác quyết định chuyển đổi từ trồng ngô, lúa sang trồng rau sạch. Ban đầu, diện tích canh tác chỉ hơn 4 ha, nhưng nhờ sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, họ đã từng bước mở rộng quy mô. Đến nay, HTX có tổng diện tích hơn 25 ha, cung cấp 32 loại rau củ quả cho các siêu thị lớn trên cả nước.

Bà Luyến kể: “Thời gian đầu, khó khăn chồng chất. Bà con không quen với việc ghi chép nhật ký, không biết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải gửi rau qua xe khách đến các chợ đầu mối, chất lượng không đảm bảo, hao hụt nhiều. Có những lúc, rau vừa đến nơi đã héo úa, lòng tôi đau như cắt”. Nhưng rồi, với sự hỗ trợ của Viện Rau quả và sự liên kết với các đối tác, họ bắt đầu đưa rau vào các siêu thị lớn như Metro, BigC.

Để đảm bảo chất lượng và thời gian giao hàng, HTX đã đầu tư mua xe tải chuyên chở. “Ban đầu chỉ có một xe 1 tấn, sau tăng lên hai xe. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi xuất từ 2-3 tấn rau, cung cấp cho các siêu thị, bếp ăn Hàn Quốc và các cửa hàng sạch từ Nghệ An đến Thanh Hóa,” bà tự hào chia sẻ.

Hiện tại, 100% xã viên của HTX áp dụng công nghệ cao, từ hệ thống tưới đến nhà kính, nhà lưới. “Bà con nhận thấy hiệu quả rõ rệt, thu nhập tăng lên, cuộc sống ổn định hơn. Điều đó làm tôi hạnh phúc vô cùng. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, các thành viên của HTX đã chuyển sang viết nhật ký số trên điện thoại thông minh. Chúng tôi có máy chủ để quản lý, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đến tận tay người tiêu dùng. Điều này giúp tăng niềm tin của khách hàng và nâng cao giá trị sản phẩm,” bà Luyến chia sẻ.

Kết quả sau bao năm tháng vất vả, giờ đây thu nhập bình quân của xã viên đã đạt khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Nhưng điều đáng tự hào hơn cả, theo bà Luyến, chính là sự thay đổi trong tư duy của người dân. Họ không còn coi nông nghiệp là công việc đơn thuần, mà đã nhìn nhận nó như một ngành kinh doanh, nơi họ là những người quản lý tài ba.

Hiện nay, diện tích của gia đình bà Luyến là 2 ha, còn HTX có tổng diện tích 25 ha, trồng 32 loại rau, từ rau gia vị đến các loại rau củ quả. “Chúng tôi chuyên cung cấp cho các siêu thị, nên càng nhiều loại rau thì càng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường,” bà giải thích.

Không chỉ tập trung vào sản xuất, HTX Rau an toàn Tự Nhiên còn chú trọng đến việc xây dựng đời sống tinh thần cho bà con. “Chúng tôi đã thành lập một Chi bộ riêng, hiện đang chuyển giao dần cho các lớp trẻ. Việc này giúp chúng tôi chuyên sâu hơn trong sản xuất nông nghiệp, không bị chi phối bởi các công việc khác,” bà chia sẻ.

Bà Luyến tin tưởng rằng, sự đoàn kết và niềm tin là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. “Ban đầu, chúng tôi mệt mỏi, nhưng động viên nhau phấn đấu. Bây giờ, nhìn thấy con đường sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang, tôi cảm thấy hạnh phúc vì những gì chúng tôi đã làm được,” bà nói, giọng đầy xúc động.

Từ đồng ruộng đến thị trường quốc tế

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, Mộc Châu đã vươn mình, “xuất ngoại” các sản phẩm nông sản cao cấp. Một trong những ví dụ điển hình là chè ô long và chè xanh cao cấp. Với công nghệ chế biến hiện đại, các loại chè của Mộc Châu không chỉ giữ được hương vị tinh tế mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Tại các nhà máy chế biến chè, quy trình sản xuất được tự động hóa từ khâu làm héo, vò, sấy đến đóng gói. Những gói chè thành phẩm không chỉ mang đậm hương vị tự nhiên mà còn được thiết kế bao bì bắt mắt, nâng cao giá trị thương mại. Chè ô long Mộc Châu hiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với sản lượng hàng năm lên tới hàng nghìn tấn.

Bên cạnh chè, lĩnh vực chăn nuôi bò sữa cũng là một niềm tự hào lớn. Với hơn 90% quy trình sản xuất được cơ giới hóa, từ vắt sữa, phối trộn thức ăn đến quản lý sức khỏe đàn bò, các trang trại bò sữa tại Mộc Châu đã tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sữa bò Mộc Châu không chỉ có mặt trên kệ các siêu thị lớn trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào khâu bảo quản và chế biến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản. Những loại hoa quả, rau hữu cơ, và các sản phẩm từ sữa đều được bảo quản bằng công nghệ hiện đại, giúp giữ nguyên chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng.

Ông Phạm Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thanh, huyện Mộc Châu, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang duy trì sáu dây chuyền chế biến, sấy khô các loại quả, công suất 1,2 tấn quả tươi/ngày. Việc đầu tư dây chuyền chế biến quả sấy khô đã góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Do vậy, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chế biến đã công bố đối với từng sản phẩm gắn với thực hiện quan điểm phát triển trong vùng, khu vực và hình thành mối liên kết sáu nhà, gồm: Nhà nước-nhà nông-doanh nghiệp-nhà khoa học-hệ thống ngân hàng-các nhà phân phối”.

Hành trình tiếp nối và lời hẹn từ mùa xuân xanh

Mộc Châu không chỉ dừng lại ở sản xuất mà còn khéo léo kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm. Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, các mô hình du lịch nông nghiệp tại đây đã thu hút đông đảo du khách. Du khách không chỉ được tham quan các nhà kính hiện đại, thưởng thức những sản phẩm sạch, an toàn mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào các hoạt động như hái mận, trồng rau, hoặc vắt sữa bò. Những trải nghiệm này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân.

Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân - Ảnh 5

Theo ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu, các mô hình du lịch trải nghiệm đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ: “Rất nhiều du khách sau khi tham quan đã trở thành khách hàng trung thành, tiếp tục đặt hàng qua các nền tảng trực tuyến”, ông Thành chia sẻ. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy sự kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch không chỉ làm giàu thêm giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Mộc Châu đến với bạn bè quốc tế.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao và các chiến lược phát triển bài bản, nông sản Mộc Châu ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Những sản phẩm như hoa quả ôn đới, chè xanh, rau hữu cơ. sữa bò... không chỉ nổi bật về chất lượng mà còn mang trong mình câu chuyện về sự đổi mới và khát vọng vươn xa.

Việc tham gia các hội chợ nông sản quốc tế và quảng bá qua các sàn thương mại điện tử cũng giúp nâng cao nhận diện thương hiệu cho nông sản Mộc Châu. Hình ảnh những sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường đã trở thành biểu tượng của nông nghiệp nơi đây. Đặc biệt, việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, và EU không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Mộc Châu tiếp tục đổi mới và phát triển.

Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân - Ảnh 6

Có thể thấy, Mộc Châu hôm nay không chỉ là biểu tượng của sự đổi mới mà còn là minh chứng cho sức mạnh của lòng kiên trì và khát vọng vươn lên. Nhưng hành trình này chưa kết thúc. Chính quyền và người dân nơi đây đang tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, mở rộng thị trường, và nâng cao giá trị bền vững.

Mỗi mùa xuân, khi hoa mận trắng nở rộ, khi những luống rau xanh tốt đón chào ánh nắng, Mộc Châu lại nhắc nhở chúng ta về sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên. Hãy để cao nguyên này mãi là biểu tượng của niềm tin, là lời hẹn xanh gửi đến tương lai.

Tạ Tú Thành

Bạn đang đọc bài viết Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Rộn ràng Lễ hội khai bút đầu năm Xuân Ất Tỵ 2025
Trong không khí hân hoan của năm mới, lễ hội khai bút lại được tổ chức, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Năm 2025, Lễ hội khai bút Xuân Ất Tỵ không chỉ là dịp để các học trò thể hiện tài năng, mà còn là cơ hội để mọi người gửi gắm những ước mơ, khởi đầu mới cho một năm tràn đầy may mắn.
Xây dựng nền nông nghiệp thuận thiên
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến cuộc sống con người; là nguyên nhân buộc Chính phủ và người làm nông nghiệp ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam - nền kinh tế vốn thuần nông đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2025
Từ tháng 2/2025, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực, điển hình như: Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng; Hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Đối tượng đăng ký thuế...

Tin mới

Mộc Châu - Lời hẹn của mùa xuân
Mùa xuân đến, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) như khoác lên mình tấm áo mới, vừa ngọt ngào, vừa đậm ấm hy vọng. Từ những đồi chè xanh mướt, trải dài đến những vườn cây trĩu quả, những vườn rau bạt ngàn, Mộc Châu đang viết nên trang sử mới, đầy thắm đỏ khát vọng vươn xa.
Rộn ràng Lễ hội khai bút đầu năm Xuân Ất Tỵ 2025
Trong không khí hân hoan của năm mới, lễ hội khai bút lại được tổ chức, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Năm 2025, Lễ hội khai bút Xuân Ất Tỵ không chỉ là dịp để các học trò thể hiện tài năng, mà còn là cơ hội để mọi người gửi gắm những ước mơ, khởi đầu mới cho một năm tràn đầy may mắn.
Xây dựng nền nông nghiệp thuận thiên
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến cuộc sống con người; là nguyên nhân buộc Chính phủ và người làm nông nghiệp ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam - nền kinh tế vốn thuần nông đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.
Tỷ giá USD hôm nay 4/2: Đồng USD giảm
Hôm nay 4/2, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,10%, xuống mức 108,44.
Labubu, Túi Mù, Pickleball: Giải mã cơn sốt tiêu dùng Việt 2024
Năm 2024, bức tranh tiêu dùng Việt Nam không còn rực rỡ sắc màu của những trào lưu F&B đã từng khuấy đảo năm trước như cà phê muối hay trà chanh giã tay. Thay vào đó, một làn sóng mới, tinh tế và đa dạng hơn đang nổi lên, cuốn theo tâm trí và ví tiền của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.