Mặc kệ lãi suất giảm sâu, tiền vẫn đổ về ngân hàng
Mặc dù lãi suất giảm mạnh trong thời gian qua, lượng tiền người dân đổ về kênh ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 là 2,49%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (cùng kỳ năm trước là 4,04%). Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73% (cùng thời điểm này năm trước, tăng trưởng tín dụng đạt 10,54%).
Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6/2023 đã đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay với hơn 12,3 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của dân cư đến cuối tháng 6 đạt hơn 6,38 triệu tỷ đồng, tăng 8,82% so với cuối năm 2022 (tương đương tăng hơn 429 nghìn tỷ đồng), đánh dấu tháng tăng liên tiếp thứ 8 liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái.
Thống kê từ đầu tháng 9, tại website 32 ngân hàng thì có tới 23 ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Hiện cả 4 ngân hàng trong nhóm Big 4 gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên với mức giảm từ 0,2-0,3 điểm phần trăm, lãi suất huy động cao nhất ở các ngân hàng này hiện chỉ còn 5,5%.
Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tại VietinBank và BIDV ngày 19/9 đã giảm từ 3,8% xuống 3,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 4,7% xuống 4,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng giảm từ 5,8%/năm xuống còn 5,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất tại 2 ngân hàng trên.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vẫn được giữ nguyên lần lượt ở mức 0,1%/năm và 3%/năm.
Như vậy, lãi suất huy động tại VietinBank và BIDV đã về mức tương đương với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa được điều chỉnh từ ngày 14/9.
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19. BVSC nhận định, động thái này sẽ khiến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại khác sẽ tiếp tục có diễn biến giảm, từ đó đưa mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống, thúc đẩy tín dụng trong các tháng cuối năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, hiện chỉ còn 5 ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6%/năm là Ngân hàng Bảo Việt (6,1%/năm), Ngân hàng Đông Á và Ngân hàng Xây dựng (6,2%/năm), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB) và Ngân hàng Quốc dân (NCB) (6,3%/năm).
Ở kỳ hạn 12 tháng, cũng chỉ còn 8/32 ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động trên 6%/năm. Trong khi đó, ở kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất huy động trên 6%/năm hiện vẫn đang chiếm quá bán.
Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng có dấu hiệu tăng tốc trở lại trong bối cảnh lãi suất xuống rất thấp dường như là một diễn biến lạ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều bất ổn, hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ngày càng khó khăn, thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là lựa chọn của nhiều người dân.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, ngân hàng này đã 4 lần giảm lãi vay. Riêng trong tháng 8/2023, lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm 1%/năm so với tháng trước đó, song tín dụng tính tới ngày 31/8/2023 chỉ tăng 5,72%, cho dù hạn mức cả năm lên tới 14%. Ông Lâm nhấn mạnh, BIDV muốn đồng hành cùng doanh nghiệp nên rất mong doanh nghiệp sẽ hoạt động minh bạch, rõ ràng, thực hiện tốt nghĩa vụ để tạo niềm tin cho Ngân hàng.
“Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không kinh doanh ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, ông Lâm nói.
T/H