0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 29/04/2024 06:26 (GMT+7)

Lợi nhuận ngân hàng: Ngay đầu năm khởi sắc, kỳ vọng cuối năm thu đậm

Theo dõi KT&TD trên

Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét. Bảng xếp hạng lợi nhuận có xáo trộn với sự vươn lên ấn tượng của Techcombank. Lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo sẽ khởi sắc do tín dụng ấm lên.

Lợi nhuận ngân hàng: Ngay đầu năm khởi sắc, kỳ vọng cuối năm thu đậm

Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I/2024

Tính đến chiều 26/4, đã có 18 ngân hàng công bố lợi nhuận quý I/2024 với nhiều con số ấn tượng. Do chưa có ngân hàng TMCP quốc doanh nào công bố kết quả quý I nên Techcombank đang tạm dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong lịch sử.

Techcombank có được kết quả trên là nhờ các khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh và thu ngoài lãi đều tăng. Trong đó, thu nhập lãi thuần hết quý I/2024 của ngân hàng này đạt mức 8.500 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 2.171 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi hơn 544 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lãi hơn 1.073 tỷ đồng trong quý I.

MB đứng vị trí thứ hai với lợi nhuận 5.795 tỷ đồng, giảm 11,3%. Trong đó, cùng kỳ năm trước, MB từng ghi nhận lợi nhuận cao hơn Techcombank. Nguyên nhân khiến lợi nhuận của MB sụt giảm là bởi trong quý I ngân hàng này phải tăng chi phí dự phòng lên 2.707 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2023.

Đứng thứ ba là ACB với mức lợi nhuận trước thuế trong quý I đạt 4.900 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý I của ACB giảm là do cùng kỳ năm 2023 có khoản thu nhập bất thường và tăng trích lập dự phòng nợ vay. Xếp vị trí thứ tư là VPBank. Trong quý đầu năm 2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế của quý I đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý IV/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.

Ở vị trí thứ 5 là SHB. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà thông báo Lợi nhuận trước thuế quý I năm 2024 đạt hơn 4.017 tỷ đồng, thực hiện 35% kế hoạch năm. Đây là mức lợi nhuận quý I cao nhất lịch sử hoạt động của SHB.

HDBank đang đứng ở vị trí thứ 6. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tổ chức sáng 26/4, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, cho biết, trong quý đầu năm 2024, HDBank đạt được hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Vị trí tiếp theo thuộc về LPBank, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong hệ thống ngân hàng. Trong quý I, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới 84,36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 84,88% so với cùng kỳ. Trong tổng thu thuần từ các hoạt động kinh doanh quý I của LPBank, lãi thuần từ dịch vụ chiếm tới 18,29%, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mảng kinh doanh ngoại hối cũng khá ấn tượng khi chiếm tỷ trọng 3,31%.

VIB đứng ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng. Trong quý I/2024, VIB đạt lợi nhuận 2.600 tỷ đồng, giảm 7% so với quý cùng kỳ của 2023.

Vị trí thứ 9 thuộc về TPBank. Tại ĐHĐCĐ năm 2024, lãnh đạo TPBank cho biết lợi nhuận của TPBank trong quý I đạt 1.829 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

MSB đứng ở vị trí thứ 10 với lợi nhuận trước thuế trong quý I đạt 1.530 tỷ đồng, tăng nhẹ so với với cùng kỳ 2023 và tương đương 22,5% kế hoạch cả năm.

Những vị trí còn lại trong bảng xếp hạng những ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trong quý I cao nhất lần lượt thuộc về SeABank (1.506 tỷ đồng), OCB (1.214 tỷ đồng), Eximbank (661 tỷ đồng), Bac A Bank (339 tỷ đồng), ABBank (178 tỷ đồng), PGBank (116 tỷ đồng), BVBank (69 tỷ đồng) và BaoViet Bank (8 tỷ đồng).

Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, LPBank đứng đầu khi cao hơn 84% so với quý I/2023. Đứng sau lần lượt là VPBank (+64%), SeABank (+41%), Techcombank (+39%), OCB (+23%).

Lợi nhuận ngân hàng: Ngay đầu năm khởi sắc, kỳ vọng cuối năm thu đậm

Lợi nhuận ngân hàng sẽ khởi sắc do tín dụng ấm lên

Theo đánh giá của giới phân tích, lợi nhuận quý I của ngành ngân hàng có sự cải thiện nhờ tăng trưởng tín dụng bứt tốc so với cùng kỳ.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến tháng 3, tín dụng đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Theo đó, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.

Theo giới phân tích, lợi nhuận của ngành ngân hàng dự báo sẽ hồi phục trong năm 2024 nhờ điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn cùng môi trường lãi suất thấp giúp cải thiện khả năng trả nợ của khách hàng.

Với kết quả lợi nhuận của phần lớn ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong quý I, các ngân hàng càng có thêm cơ sở để đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 để trình ĐHĐCĐ. Các nhà băng kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng dần cải thiện ở các quý tới là cơ sở để thực hiện chỉ tiêu kinh doanh cả năm nay.

Dù một số nhà băng ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý I nhưng hầu hết ngân hàng đều tự tin đặt ra chỉ tiêu kinh doanh năm nay với tăng trưởng lợi nhuận từ 10% trở lên so với năm vừa qua.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng mới đây cho thấy, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2024 chưa được như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra trước. Song 70,9-72,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý II và cả năm 2024.

Chứng khoán MBS nhìn nhận, mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 3 tháng đầu năm 2024 vẫn còn khá chậm, song những dấu hiệu tích cực đến từ hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI cho thấy tín dụng có thể được đẩy mạnh trong phần còn lại năm 2024.

MBS cho rằng những ngân hàng có những đặc điểm sau sẽ có được kết quả kinh doanh khả quan hơn so với toàn ngành:

Thứ nhất, NIM có thể chống chọi được sự bào mòn do hoạt động cắt giảm lãi suất cho vay nhằm cạnh tranh tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng được kỳ vọng sẽ có NIM bền vững là những ngân hàng có chi phí vốn thấp và ưu thế về CASA (như VCB, TCB, MBB...).

Thứ hai, những ngân hàng có mảng tín dụng tăng trưởng tốt và ổn định nhờ có tệp khách hàng riêng (như HDB, TCB, ...).

Thứ 3 là những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ cùng gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 sẽ giảm được áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó giúp lợi nhuận sau thuế gia tăng đáng kể hơn so với toàn ngành (VIB, TCB CTG...).

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, dự báo lợi nhuận ngân hàng cả năm nay có thể tăng 10-15% nhưng có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào năng lực tài chính, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được phê duyệt, chất lượng tài sản, phát triển dịch vụ...

Minh Dũng

Bạn đang đọc bài viết Lợi nhuận ngân hàng: Ngay đầu năm khởi sắc, kỳ vọng cuối năm thu đậm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội đạt 18,38%
Cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 4.282 nghìn tỷ đồng, tăng 0,79% so với cuối tháng trước và tăng 18,38% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Thị trường vốn cần “đòn bẩy” từ quỹ bảo hiểm, hưu trí
Để nâng tầm thị trường vốn Việt Nam, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa gia tăng khả năng huy động vốn một cách bền vững.
Quy định mới liên quan đến thuế
Nhiều quy định mới về khuyến mại, trái phiếu, hoạt động thương mại biên giới, thuế, bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2024.
Không lo lãi suất cho vay tăng mạnh
Chênh lệch giữa tốc độ huy động vốn và cho vay đang gia tăng. Điều này được cho sẽ gây ra áp lực khiến lãi suất đầu vào tăng, kéo lãi vay lên theo. Tuy nhiên, chuyện không hẳn như vậy.
An Giang:Tăng cường kiểm tra ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường
Đội Quản lý Thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý Thị trường tỉnh An Giang,phối hợp với Công an huyện Thoại Sơn đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và tạm giữ trên 1.000 sản phẩm áo len kiểu nữ các loại, trị giá trên 100 triệu đồng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Đoàn kiểm tra tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý

Tin mới

Mật ong rừng Việt Nam - Tiềm năng lớn cần được khai phá
Mật ong rừng tự nhiên là một trong những sản vật quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Việt Nam. Với hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú trải dài từ Tây Nguyên, Tây Bắc đến Nam Trung Bộ, mật ong rừng Việt Nam nổi bật với độ tinh khiết và giá trị dinh dưỡng cao.
Xu hướng mua sắm mùa Tết 2025
Trước bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các chuyên gia cho rằng, dịp Tết năm 2025, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục là mùa Tết tiết kiệm, đơn giản và thiết thực.
Các nhà bán lẻ nỗ lực ổn định nguồn cung, kỳ vọng thị trường bùng nổ cuối năm
Cuối năm là thời điểm “vàng” của ngành bán lẻ, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh để chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết. Để thành công trong mùa mua sắm cuối năm, ngành bán lẻ không chỉ phải chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hóa, mà còn phải triển khai các chiến lược kích cầu, đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm.
Xuất khẩu rau quả Việt Nam bứt phá, hướng đến kỷ lục 7,2 tỷ USD
Ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang chứng kiến một bước tiến vượt bậc trong năm 2024. Với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu rau quả dự kiến đạt mốc 7,2 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.