Liệu có thích ứng kịp khi 3 tháng lại điều chỉnh giá điện một lần?
Bộ Công Thương đã nghiên cứu và dự thảo quy định rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng/lần. Tuy nhiên, nếu cứ 3 tháng lại điều chỉnh giá điện một lần, thì người dân, doanh nghiệp (DN) liệu có thích ứng kịp?
EVN đồng tình
Trong tháng 7/2023, Bộ Công thương đã xây dựng phương án với thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu là 3 tháng/lần. Phương án đưa ra các trường hợp tăng, giảm giá cụ thể. Về điều chỉnh giảm giá, nếu các yếu tố đầu vào giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, EVN sẽ điều chỉnh giảm giá điện ở mức tương ứng.
Tương tự, khi các yếu tố đầu vào tăng, giá điện sẽ được điều chỉnh. Việc điều chỉnh tăng sẽ được áp dụng như sau: Trường hợp giá điện tăng bình quân từ 3% đến dưới 5% thì EVN tự điều chỉnh, giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% xin ý kiến Bộ Công thương và trường hợp giá điện điều chỉnh tăng trên 10%, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở dự thảo của Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến ngày 13/7, EVN đã góp ý trên cơ sở gửi bản dự thảo đã hiệu chỉnh, cơ bản thống nhất và đồng tình với các nội dung. Bao gồm nguyên tắc, cơ chế điều chỉnh giá, mức độ tăng/giảm giá và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện khi các khâu có biến động.
Theo dự thảo được hiệu chỉnh, nguyên tắc điều chỉnh giá là sau khi Bộ Công Thương kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu. Chi phí này bao gồm khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng một kWh, áp dụng từ 4/5/2023. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
EVN cũng đồng ý với tần suất điều chỉnh giá tối thiểu 3 tháng một lần và mức tăng hoặc giảm giá điện bình quân trong khung giá do Thủ tướng quy định.
Người dân, doanh nghiệp có thích ứng kịp?
Trên thực tế, lý giải của Bộ Công thương về việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện là vì thời gian qua, giá đầu vào phát điện liên tục tăng, nếu để 6 tháng hoặc 1 năm mới điều chỉnh giá bán thì mức điều chỉnh sẽ cao vừa bất lợi cho ngành điện vừa bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu cứ 3 tháng lại điều chỉnh giá điện một lần, thì người dân, doanh nghiệp (DN) sẽ khó thích ứng kịp.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Hiện thu nhập và đời sống người dân đã có sự cải thiện, các thiết bị sử dụng điện tối thiểu trong gia đình đã nhiều hơn. Hiện nay, mức tiêu thụ điện phổ biến của người dân trong khoảng 201 - 300 kWh, mức giá ở các bậc này không nên quá cao so với mức giá bán lẻ bình quân như hiện nay. Còn mức giá tiêu dùng trên 400kWh có thể rất cao, vì những đối tượng tiêu dùng ở bậc này là những người khá giả”.
Như vậy có thể thấy, cùng với việc tiếp tục tăng công khai, minh bạch trong mua bán, kinh doanh điện, tình trạng bù chéo thì những bất cập về biểu tính giá điện tồn tại từ lâu đã tới lúc cần sửa để phù hợp với điều kiện thực tế tỷ trọng dùng điện giữa các hộ, nhất là khi số hộ tiêu thụ dưới 50 kWh đã ít hơn trước. Mặc dù những bất hợp lý này đã được đề cập nhưng đến nay đến nay vẫn chưa được sửa đổi.
Đối với doanh nghiệp, nếu như 1 năm thay đổi giá điện đến 4 lần sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Vì hàng năm, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch này thường duy trì cả năm hoặc ít nhất 6 tháng mới điều chỉnh, nếu cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện doanh nghiệp sẽ không thích ứng kịp.
Thực tế, hiện nay doanh nghiệp ký kết ký hợp đồng với đối tác 1 năm, thậm chí 2 năm. Khi đã ký hợp đồng, doanh nghiệp phải chịu toàn bộ các rủi ro liên quan đến yếu tố đầu vào. Việc thay đổi giá điện hàng quý trong trường hợp giảm không có gì đáng nói nhưng nếu cả 4 lần đều tăng sẽ vô cùng khó khăn.
Hay đặc thù ngành nhựa chi phí tiền điện chiếm hơn 40% giá thành, nếu cứ 3 tháng lại tăng giá điện chắc chắn doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc chuyển sang nguồn nhiên liệu khác chứ khó chạy theo chu kỳ giá điện.
Có thể thấy không chỉ doanh nghiệp sản xuất, mà đơn vị kinh doanh dịch vụ, người dân dùng điện cũng khó thích ứng khi giá điện điều chỉnh hàng quý. Thực tế thời gian qua cho thấy, sau mỗi lần điều chỉnh giá điện, mức tăng dù không lớn (lần gần đây nhất tháng 5/2023 là tăng 3%) cũng đều tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng.
Cần "luật hóa" việc điều chỉnh giá điện
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, 6 tháng điều chỉnh một lần là "tương đối hợp lý" và nên được áp dụng đúng. "Tham vọng của các nhà quản lý là muốn đưa mặt hàng điện điều tiết theo thị trường, theo tín hiệu thị trường. Chu kỳ 6 tháng thay đổi là hợp lý, chỉ cần làm đúng quy định này là ổn, còn rút ngắn xuống 3 tháng tạo sự xáo trộn, hoang mang cho người dân khi cứ 1 quý tăng giá điện một lần", chuyên gia này bổ sung.
Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho rằng, việc quy định 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần không cần thiết nếu điện được điều tiết theo cơ chế thị trường. Có thị trường mua bán rõ ràng, không có yếu tố độc quyền thì không cần thời gian bao lâu để điều chỉnh nữa. Đằng này, thị trường điện vẫn đang vận hành theo mô hình độc quyền, trong đó EVN vừa sản xuất và kinh doanh điện.
"Trao quyền được tăng đến 5% giá bán lẻ điện bình quân vào tay một doanh nghiệp độc quyền là không ổn. Giả sử, EVN chứng minh được chi phí đầu vào tăng đấy, có biến động đấy, cứ mỗi quý tăng 5%, vậy 1 năm tăng 20% à? Như vậy có được không? Nếu cho quy định vậy, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu, có quyền tăng giá vậy điện đâu còn là mặt hàng "nhạy cảm" nữa. Tôi nghĩ Bộ Công thương nên cân nhắc đề xuất này mà thay vào đó, sửa đổi luật để tiến đến một thị trường mua bán điện công khai, minh bạch hơn. Đồng thời, khiến người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn trong mua bán điện hơn", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Theo PGS-TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực Hà Nội - hiện Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ là quy định mang tính pháp lý cao nhất liên quan điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Thế nhưng, Quyết định này đã không được thực thi một cách đúng đắn. Minh chứng là đợt điều chỉnh gần nhất là tháng 5.2023 đã mất 4 năm thì hạ từ 6 tháng xuống 3 tháng được điều chỉnh giá cũng "chẳng giải quyết được gì". Vì thực tế, chúng ta áp dụng quy định đã có đến đâu?.
"Chúng tôi nhiều lần có ý kiến và các chuyên gia cũng đã nói, luật Điện lực cần sửa đổi, trong đó, luật hóa điều hành giá điện, luật hóa các quy định về thị trường điện thì may ra, giá điện mới được điều tiết theo thị trường được. Bên cạnh đó, giá điện phải được phản ánh kịp thời, sát với thực tế hơn", PGS-TS Bùi Xuân Hồi chia sẻ.
Như vậy, việc sửa đổi quyết định 24 cần phải đảm bảo điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh một cách sát thực nhất với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường phát điện cạnh tranh, đồng thời tạo tiền đề cho giá điện thực sự có tăng có giảm.
Bên cạnh đó, các thông tin trong ngành điện cần được công khai minh bạch bằng nhiều hình thức như báo cáo đến cơ quan chức năng, các thông tin vận hành hệ thống điện và thị trường điện...để các bên liên quan, người dân nắm bắt dễ dàng, chính xác và đóng góp ý kiến phản biện, tăng cường quản lý thông tin và giám sát.
Biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc mới nhất
Ngày 04/5/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1062/QĐ-BCT quy định giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Theo đó, đối với nhóm khách hàng sinh hoạt gồm 6 bậc, theo nguyên tắc dùng càng nhiều điện giá điện càng cao.
Cụ thể, bậc 1 có giá thấp nhất là 1.728 đồng/kWh (giá cũ là 1.678 đồng).
Bậc 2 có giá là 1.786 đồng/kWh (giá cũ là 1.734 đồng).
Bậc 3 có giá là 2.074 đồng/kWh (giá cũ là 2.014 đồng).
Bậc 4 có giá là 2.612 đồng/kWh (giá cũ là 2.536 đồng).
Bậc 5 có giá là 2.919 đồng/kWh (giá cũ là 2.834 đồng)
Bậc 6 có giá là 3.015 đồng/kWh (giá cũ là 2.927 đồng)
Tạ Nhị