0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 19/06/2024 08:06 (GMT+7)

Lãi suất tăng nhanh, thời kỳ tiền rẻ sớm chấm dứt

Theo dõi KT&TD trên

Làn sóng tăng lãi suất huy động đang trở nên mạnh mẽ. Nhiều đánh giá cho rằng lãi suất cho vay sẽ tăng theo và thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm chấm dứt.

Lãi suất tiết kiệm bật tăng mạnh mẽ

Sau thời gian dài liên tục "dò đáy", xuống mức thấp kỷ lục, từ đầu năm nay, lãi suất tiết kiệm đã rục rịch tăng trở lại.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm manh nha từ tháng 2 khi có 4 ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi. Đến nửa cuối tháng 3, thị trường ghi nhận 4 nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn. Tới tháng 4, có 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Trong tháng 5, có tới 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Sang tháng 6, tốc độ tăng và mức tăng của lãi suất huy động trở nên mạnh mẽ hơn.

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, có khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, với mức phổ biến từ 0,1-0,5%/năm, thậm chí có nơi tăng mạnh 1,6%/năm. Điều này cho thấy xu hướng này đang lan rộng trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Trong số 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 6, có 5 ngân hàng đã hai lần tăng lãi suất, gồm: MB, VIB, BaoVietBank, Eximbank và GPBank.

Mức lãi suất từ 5%/năm ngày càng xuất hiện dày đặc trên biểu lãi suất của các ngân hàng, đặc biệt tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Mức lãi suất 6%/năm xuất hiện nhiều hơn trước. HDBank, OCB và OceanBank đang dẫn đầu thị trường ở các kỳ hạn dài với lãi suất từ 6-6,1%/năm.

Lãi suất tăng nhanh, thời kỳ tiền rẻ sớm chấm dứt

Ngoài mức lãi suất cho khách hàng thông thường, một số nhà băng còn đưa ra các mức lãi suất vượt trội hơn nhưng kèm theo điều kiện có phần “thách đố”, như yêu cầu số tiền gửi phải lên tới hàng trăm, nghìn tỷ đồng với kỳ hạn dài.

Chẳng hạn, HDBank đưa ra mức lãi suất tiết kiệm 7,7%/năm khi gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng ở mức 8,1%/năm khi gửi trên 500 tỷ đồng. ABBank áp dụng mức lãi suất tiền gửi đặc biệt cao nhất là 9,65%/năm đối với tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng. PVCombank cũng đang trả lãi lên tới 9,5%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. DongABank áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.

Theo giới phân tích, lãi suất tiết kiệm quay đầu tăng nhanh đến từ việc tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây khá nhanh trong khi huy động lại giảm.

Đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,41%, trong khi 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm. Trong khi đó, tính đến hết quý I/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.

Tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Hơn nữa, việc tăng lãi suất tiết kiệm phần nào giúp kênh này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu một thời gian dài, trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán ghi nhận dấu hiệu hút tiền. Vì vậy, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động nhằm tăng sức cạnh tranh và thu hút nguồn vốn từ dân cư.

Dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại hệ thống ngân hàng. Tiền gửi dân cư đã hồi phục từ tháng 2, đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng đầu năm.

Mặt khác, theo một số nhà phân tích, lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng. Điều này giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá và ổn định thị trường tài chính. Từ đầu năm đến nay, đồng VND đã mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm 2024.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định, lãi suất tăng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá. Nhưng theo chu kỳ mùa vụ, áp lực tỷ giá sẽ còn quay trở lại từ cuối quý III và quý IV hàng năm. Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô. Tỷ giá tăng và lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác. Do đó, việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ là xu hướng dài hạn.

Giới chuyên môn đánh giá lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại, đồng thời giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá, góp phần thu hút tiền gửi vào ngân hàng, tránh tình trạng đầu cơ vàng...

Thời kỳ tiền rẻ sắp kết thúc?

Lãi suất huy động đi lên khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại. Theo đó, thời kỳ tiền rẻ sắp kết thúc.

Lãi suất tăng nhanh, thời kỳ tiền rẻ sớm chấm dứt

Bởi về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay.

Theo giới phân tích, lãi suất huy động tăng có thể khiến lãi suất cho vay tăng theo nhưng cần độ trễ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lãi suất tiết kiệm tăng lên tất nhiên sẽ tác động đến lãi suất cho vay đi lên. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện mới khởi sắc trở lại nên lãi suất cho vay khó có thể điều chỉnh trong thời điểm này. Thông thường, từ huy động vốn đến việc đẩy ra nền kinh tế sẽ có độ trễ khoảng từ 2-3 tháng sau khi ngân hàng tính toán đến các loại chi phí.

Theo ông Hiếu, trong nửa sau của năm 2024, hoạt động tín dụng sẽ trở nên sôi động hơn khi các thành phần kinh tế vay vốn nhiều hơn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Khi đó lãi suất cho vay có thể tăng trở lại, cùng nhịp tăng với lãi suất huy động.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định, lãi suất cho vay có thể tăng nhưng không phải lúc này mà nhiều khả năng sẽ rơi vào nửa cuối năm nay. Các ngân hàng đang phải duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng tín dụng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên. Nhưng diễn biến thực tế hiện nay có thể không như vậy, khi sức cầu tín dụng còn yếu, chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, nhất là doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Song cũng không thể duy trì lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng mà vừa ổn định tỷ giá.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lãi suất đầu ra vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

NHNN vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục,... nỗ lực phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay.

Thực tế, gần đây, dù lãi suất gửi tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp để kích cầu. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia, tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vì vậy, về lâu về dài cần duy trì lãi suất cho vay thấp. Nếu lãi suất chỉ thấp trong thời gian ưu đãi rồi đến kỳ điều chỉnh lại tăng, rất khó cho người vay khi tính kế hoạch tài chính.

Minh Dũng

Bạn đang đọc bài viết Lãi suất tăng nhanh, thời kỳ tiền rẻ sớm chấm dứt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỷ giá USD hôm nay 20/11: Giao dịch giữ mức 25.507 đồng/USD
Rạng sáng nay 20/11, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước niêm yết giữ 24.293 đồng/USD. Cùng thời điểm, các ngân hàng thương mại chủ yếu chỉ thay đổi giá mua và vẫn giữ giá bán ở 25.507 đồng. Chỉ số USD Index (DXY) đạt 106,37 điểm.
Ứng phó khi tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao
Tỷ giá USD/VND liên tục tăng cao và thiết lập kỷ lục mới. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý cần làm gì để ứng phó với biến động của tỷ giá.

Tin mới

Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đối với CTCP In Hospitality (Công ty)
Ngày 18/11/2024, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 377/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần In Hospitality (Địa chỉ trụ sở chính: 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), cụ thể như sau: