Lãi suất huy động tăng nhanh, lãi vay mua nhà thấp kỷ lục
Lãi suất huy động tăng nhanh trong khi lãi suất vay mua nhà thấp nhất 10 năm qua; tiền vẫn đổ vào ngân hàng; tăng trưởng tín dụng vẫn chậm... là những điểm nhấn quan trọng trong tuần qua.
Lãi suất tăng nhanh, thời kỳ tiền rẻ sớm chấm dứt
Làn sóng tăng lãi suất huy động đang trở nên mạnh mẽ. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, có hơn 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, với mức phổ biến từ 0,1-0,5%/năm, thậm chí có nơi tăng mạnh 1,6%/năm. Điều này cho thấy xu hướng này đang lan rộng trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Giới chuyên môn đánh giá lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại, đồng thời giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá, góp phần thu hút tiền gửi vào ngân hàng, tránh tình trạng đầu cơ vàng...
Lãi suất huy động đi lên khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại. Theo đó, thời kỳ tiền rẻ sắp kết thúc.
Lãi vay mua nhà xuất hiện mức thấp kỷ lục, chỉ từ 3%
Một chủ đầu tư liên kết với ngân hàng cho ra mắt giải pháp vay mua nhà chuyển nhượng với lãi suất cố định thấp nhất thị trường chỉ từ 3%/năm. Khách hàng chỉ cần thanh toán từ 20%, thời hạn cho vay tới 35 năm.
Dù giá nhà không ngừng tăng song gần nửa năm nay, nhiều ngân hàng đang duy trì lãi suất cho vay ưu đãi giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ cho nhu cầu vay mua nhà. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ở dao động từ 5-7%/năm, tùy kỳ hạn. Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà hiện dao động trong khoảng 4,6-7,9%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Lãi suất vay mua nhà thấp nhất 10 năm qua
Mặt bằng lãi suất ưu đãi mà các ngân hàng đang cho vay mua nhà hiện phổ biến ở mức 5-8%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng trong thời gian 6-36 tháng đầu tiên của khoản vay dài hạn và được đại diện các nhà băng nhận xét là "thấp chưa từng có trong chục năm qua".
Theo các chuyên gia, lãi suất vay mua nhà đang ở mức hợp lý nhưng người vay cũng cần lưu ý một số yếu tố để tránh rơi vào “bẫy nợ”.
Người dân vẫn đổ tiền vào ngân hàng bất chấp lãi suất thấp
Dù lãi suất tiết kiệm ở mức thấp nhưng người dân vẫn tăng gửi tiền vào ngân hàng. Trong tháng 3, người dân đem gần 6,7 triệu tỷ đồng gửi ngân hàng, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 3, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 214.000 tỷ đồng, còn lượng tiền gửi cá nhân tăng 144.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, lãi suất thấp vẫn không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm
Sáng 19/6, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, so với cuối năm 2023, đến ngày 14/6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,79%.
Tín dụng tăng khá chậm trong những tháng đầu năm 2024. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thêm, đến nay vẫn còn 23 tỉnh tăng trưởng tín dụng âm, 29 tỉnh tăng trưởng không quá 2%. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng cao hơn 10% thì vẫn có những ngân hàng tín dụng âm hơn 4%.
Sắp bán vàng miếng trên app ngân hàng
Tại cuộc họp giữa NHNN với các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng miếng ngày 21/6, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của NHNN và tiếp tục tối ưu quy trình cung ứng vàng, bán vàng cho người dân.
Trong đó, sẽ tiếp tục đưa việc bán vàng lên app, thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng đảm bảo minh bạch và tiện lợi.
Gói tín dụng 120.000 tỷ 'bất động'
Từng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội nhưng đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng gần như vẫn “bất động”.
Tại Hội nghị giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới đây, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn. Dù chưa rõ hướng ưu đãi hơn mà NHNN đề cập đến là gì nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng những thay đổi này sẽ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn vốn đã tồn tại từ những ngày đầu triển khai.
Mỹ tiếp tục khẳng định 'Việt Nam không thao túng tiền tệ'
Trong báo cáo mới công bố, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao kết quả điều hành chính sách tỷ giá, tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định Việt Nam "không thao túng tiền tệ".
Theo Bộ Tài chính Mỹ, thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ tăng đáng kể trong 5 năm qua, chủ yếu nhờ thương mại hàng hóa, dẫn đầu là điện tử và máy móc mặc dù mức tăng có sự chững lại. Việt Nam hiện là nước có thặng dư hàng hóa lớn thứ ba với Mỹ.
Sai lầm của ông Trần Phương Bình đẩy DongABank xuống dốc, bị 'kiểm soát đặc biệt'
Ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á qua đời vào ngày 18/6. Trước khi qua đời, ông Bình đang thi hành án tù chung thân.
Do mắc sai lầm mà ông Trần Phương Bình đã vướng vòng lao lý, phải trả giá bằng bản án chung thân. DongABank sau khi Bình bị bắt cũng xuống dốc và bị kiểm soát đặc biệt.
Chính thức gia hạn Thông tư 02 về giãn nợ đến hết năm 2024
NHNN đã ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024. Đây là thông tin được NHNN cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 tổ chức sáng 19/6
Như vậy, NHNN gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết hết năm 2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6.
Lôi kéo học sinh mở tài khoản ngân hàng để trốn thuế, rửa tiền... bị phạt 100 triệu
NHNN cho biết, qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế cùng với phản ánh từ Bộ Công an cho thấy thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có những người dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho những người này sử dụng.
Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…
Việc cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.
Các ngân hàng muốn phát hành 283.000 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn
Các ngân hàng đã tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn trong những năm gần đây để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động.
Khi tăng trưởng tín dụng hồi phục trong 1-3 năm tới, VIS Rating cho rằng các ngân hàng sẽ cần hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để bổ sung nguồn vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.
Yêu cầu khẩn trương chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, xử lý SCB
Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong tháng 6 năm nay, xây dựng phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Nội dung này được nêu ra trong Nghị quyết số 93/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Minh Anh