KSV đã rót bao nhiêu tiền vào mỏ đất hiếm Đông Pao, dự án đang tạm dừng hoạt động?
Mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước đang phải tạm dừng hoạt động do chưa hợp tác được với đơn vị có đủ năng lực chế biến ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn XK.
Đất hiếm là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử, pin, nam châm mạnh, đèn LED… Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.
Hiện nay, mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước là mỏ Đông Pao, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn.
Mỏ đất hiếm Đông Pao đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 31/12/2013, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác, chế biến mỏ đất và cấp phép khai thác cho Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco).
Được biết, Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico đã thực hiện đền bù giải phóng và được UBND tỉnh Lai Châu thu hồi đất, cho thuê đất đối với diện tích 19,6 ha (lần 1) tại Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 16/01/2023.
Mặc dù tiến độ thực hiện dự án đã phê duyệt được thực hiện từ năm 2014-2016 nhưng đến nay Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico chưa triển khai khai thác do chưa hợp tác được với đơn vị có đủ năng lực chế biến ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trước đó, dự án khai thác và chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao được đầu tư trên cơ sở hợp tác với đối tác Nhật Bản (Công ty phát triển đất hiếm Đông Pao - Nhật Bản). Nhưng sau khi dự án được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì đối tác Nhật Bản dừng hợp tác.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu – Vimico được thành lập vào 2008 với sự tham gia của 6 cổ đông, vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị thành viên Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) - Tổng công ty Khoáng sản – TKV (HNX: KSV) nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 55% vốn (192,5 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính bán niên đã soát xét năm 2023 của KSV ghi nhận, tính đến ngày 30/6/2023, KSV đã đầu tư hơn 198 tỷ đồng vào Dự án mỏ đất hiếm Đông Pao. Vì dự án đang tạm dừng để tìm kiếm đối tác, số tiền đầu tư mà KSV đã bỏ ra có nguy cơ sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhận doanh nghiệp.
Theo số liệu KSV công bố, đến năm 2020, Lavreco mới bắt đầu có doanh thu 16,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,35 triệu đồng. Sang năm 2021, doanh thu tăng lên 56,8 tỷ đồng và lợi nhuận 11,6 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2022 doanh thu giảm về 240 triệu đồng và không ghi nhận lợi nhuận.
Về phần KSV, 6 tháng đầu năm 2023, Công ty báo lãi hơn 66 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2022, mới đạt 31% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, KSV đặt mục tiêu 12.556 tỷ đồng doanh thu (bao gồm 12.454 tỷ thu từ sản xuất khoáng sản) - tăng nhẹ so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế hợp nhất phấn đấu đạt 215 tỷ đồng - giảm 13%.
Cẩm Anh