Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê
Trong nội dung báo cáo Bộ KH&ĐT mới đây, Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm xem xét chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê.
Theo thông tin từ Sở KH&ĐT, thực hiện văn bản yêu cầu của Bộ KH&ĐT, Hà Tĩnh đã báo cáo Bộ KH&ĐT về xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm của các dự án trọng điểm không hiệu quả, chậm tiến độ. Trước đó, ngày 3/10/2023, Bộ KH&ĐT gửi UBND tỉnh văn bản số 8176/BKHĐT-PTHTĐT về việc xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm không hiệu quả, chậm tiến độ.
Tiếp nhận văn bản của Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp báo cáo các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm không hiệu quả, chậm tiến độ.
Theo một lãnh đạo huyện Thạch Hà: Thực hiện văn bản của UBND tỉnh, huyện đã giao các phòng, ngành liên quan đánh giá cụ thể, phân tích các số liệu và đã báo cáo Sở KH&ĐT. Trong báo cáo, huyện đề nghị dừng Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê do không hiệu quả, chậm tiến độ và ảnh hưởng nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội. Song song với đó, thời gian qua, huyện cũng đã nghiên cứu nhiều nội dung để đề xuất đầu tư các công trình hạ tầng và thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các xã vùng khai thác mỏ do tác động ở đây đã quá lớn.
Trên cơ sở rà soát của huyện Thạch Hà và ý kiến của các sở, ngành liên quan, Sở KH&ĐT báo cáo UBND tỉnh, Bộ KH&ĐT. Báo cáo nêu rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê.
Dự án này do Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên địa phận 5 xã thuộc huyện Thạch Hà (Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc). Trữ lượng, tài nguyên mỏ là 554 triệu tấn. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh: 14.517,2 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất: 4.821ha, gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển. Diện tích TIC đã ký hợp đồng thuê đất là 552ha.
Tháng 12/2008, TIC đã thực hiện bóc đất thử nghiệm công nghệ với khối lượng 1,5 triệu m3 và định hướng công nghệ thi công. Tháng 03/2009, TIC tiếp tục bóc đất tầng phủ đến độ sâu -34m, với khối lượng tính đến tháng 7/2011 là 12,7 triệu m3 , thu hồi được 3 nghìn tấn quặng sắt.
TIC cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng khu tái định cư, nghĩa trang, một số công trình hạ tầng liên vùng, giải phóng mặt bằng, xây dựng một số công trình (nhà ở, nhà xưởng, cung cấp điện, thoát nước, bảo vệ môi trường, rà phá bom mìn), mua sắm một số thiết bị, điều tra khảo sát bổ sung tài liệu địa chất mỏ.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2011 đến nay, dự án dừng triển khai thực hiện.
Một lãnh đạo Sở KH&ĐT cho hay: Trên cơ sở đánh giá cụ thể, Hà Tĩnh nhận thấy việc triển khai Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê rất chậm và đã dừng thực hiện kéo dài 12 năm với khối lượng và kết quả đạt được không đáng kể. Cùng đó, quá trình thực hiện dự án đã phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đời sống người dân như: đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... chưa được giải quyết, phát sinh nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo báo cáo gửi Bộ KH&ĐT, nhiều vấn đề liên quan dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được phân tích khá cụ thể. Theo đó, dự án đã có những bất cập về trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, khai thác mỏ; mức độ nghiên cứu điều kiện về địa chất thuỷ văn, địa chất công trình; công nghệ khai thác, công nghệ chế biến chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, chưa đảm bảo độ tin cậy, thiếu tính khả thi. Dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn và sự cố môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.
Cùng đó, các vấn đề khác của dự án cũng được nêu với nhiều khó khăn, vướng mắc như: phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh; thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn; quá trình thực hiện dự án đã để lại nhiều hệ lụy. Đặc biệt, nếu thực hiện, dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng chục nghìn lao động vùng mỏ và lân cận liên quan đến vấn đề mất việc, thu nhập, ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội của các địa phương.
Việc chấm dứt dự án sẽ đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển miền Trung; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy về môi trường, thảm họa thiên tai có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, môi trường đầu tư, môi trường biển; bảo vệ nguồn tài nguyên đến khi đủ điều kiện khai thác hiệu quả; góp phần thực hiện chủ trương, định hướng phát triển xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt cả về trước mắt và lâu dài, Hà Tĩnh kính đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm xem xét chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê để khắc phục các ảnh hưởng, hệ lụy để lại sau 12 năm tạm dừng triển khai dự án.
Đây cũng là điều kiện quan trọng để Hà Tĩnh có điều kiện sử dụng, phát huy hiệu quả thế mạnh về phát triển kinh tế biển, du lịch biển; đồng thời, có phương án bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước đến khi đủ điều kiện về khoa học, công nghệ, nguồn lực để khai thác một cách an toàn và đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, thực hiện đúng chủ trương phát triển bền vững theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị.
Cùng với báo cáo trên, mới đây, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh và các thành viên đoàn tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm trình phương án về Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê theo hướng dừng khai thác.
Ở một diễn biến khác, trước tác động về dự án trọng điểm này tới các xã vùng khai thác mỏ, chiều ngày 25/10, UBND huyện Thạch Hà tổ chức cuộc làm việc để xin ý kiến liên quan đến đề xuất đầu tư các công trình hạ tầng và thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các xã nằm trong vùng quy hoạch dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Đây là việc làm cần thiết để giải quyết các khó khăn trước mắt, trong khi Trung ương chưa có câu trả lời về dự án trọng điểm này.
Trước đó, VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về dự án mỏ sắt Thạch Khê: Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) vừa có văn bản số 10/CV-KTMTVN/2022 ngày 18/10/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Bộ ngành về một số vấn đề liên quan đến Dự án mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh). “Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, làm việc, kết quả Hội thảo, tham vấn ý kiến các bên về Dự án, VIASEE nhận thấy, còn nhiều điểm chưa chính xác và chưa được làm rõ trong Hồ sơ Dự án của Chủ đầu tư: Báo cáo khả thi, Thiết kế kỹ thuật và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án điều chỉnh đã được các Hội đồng thẩm định thông qua năm 2013 không có đối tác Nga tham gia (nhưng trong Hồ sơ lại ghi có đối tác Nga tham gia); vấn đề nghiên cứu, thăm dò nước ngầm và caster ở độ sâu (dưới -145m đến - 550 m) chưa được triển khai khi lập các báo cáo này”, Văn bản của VIASEE khẳng định.
Ngoài ra, văn bản của VIASEE gửi Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc Chủ đầu tư đã không minh bạch khi lấy số liệu mô hình giả định về nước ngầm của đối tác Nga trong Dự án ban đầu để đưa vào Dự án điều chỉnh là sai phạm; nhiều tai biến, rủi ro và sự cố môi trường tiềm ẩn trong quá trình khai thác chưa được phân tích, đánh giá và có giải pháp phòng ngừa; giá trị và phương án sử dụng tài nguyên khoáng sản đi kèm (cát, đất sét và đá vôi) chưa được trình bày đầy đủ trong Hồ sơ của Dự án. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến năng lực chủ đầu tư; việc điều chỉnh dự án cần phải làm rõ. Văn bản của VIASEE nêu rõ: “Hiện vẫn còn 3 luồng ý kiến khác nhau về Dự án: (1) Dừng hẳn Dự án, để dành tài nguyên khoáng sản cho thế hệ tương lai, trong đó có ý kiến đại diện tỉnh Hà Tĩnh; (2) Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Nhà đầu tư, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ đề nghị cho tiếp tục triển khai Dự án; (3) Cần lập, thẩm định và phê duyệt lại Báo cáo khả thi, Thiết kế kỹ thuật và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án”.
Từ những căn cứ này, VIASEE đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ 3 vấn đề. Trong đó, VIASEE cho rằng, cần lập, thẩm định và phê duyệt lại Báo cáo khả thi, Thiết kế kỹ thuật và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án; khắc phục các hạn chế, thiếu sót của Dự án điều chỉnh làm cơ sở để quyết định việc tiếp tục hay dừng Dự án.
VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo và các Hội đồng khoa học chuyên ngành, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học độc lập để khẩn trương triển khai nghiên cứu, đánh giá lại Dự án.