Kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện, GDP quý III tăng 5,33%
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý III của Việt Nam tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu cho thấy xu hướng tích cực tiếp tục được duy trì, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Xu hướng tích cực được duy trì ngày càng rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực
Sáng nay (29/9), Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực. Mặc dù tăng trưởng GDP quý III chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023, nhưng giữ xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước. Nguyên nhân do một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình, giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng.
So với tháng 12/2022, CPI tháng 9 tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%. Lạm phát cơ bản tháng 9 tăng 3,8% so với cùng kỳ.
CPI bình quân quý III năm nay tăng 2,89% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm đạt 494,66 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD. Sau 9 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD).
Về sản xuất công nghiệp, Tổng cục Thống kê đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý III/2022 .
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm, do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Hơn 12.600 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9
Trong tháng 9, cả nước có 12.684 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 117,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 80 nghìn lao động, giảm 9,7% về số doanh nghiệp, giảm 13,4% về vốn đăng ký và tăng 0,1% về số lao động so với tháng 8/2023.
So với cùng kỳ năm 2022, tăng 10,6% về số doanh nghiệp, giảm 13,9% về số vốn đăng ký và tăng 29,3% về số lao động. Tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.086,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 748,9 nghìn lao động, tăng 3,1% về số doanh nghiệp, giảm 14,6% về vốn đăng ký và giảm 1,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.486,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 35,6 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.573,1 nghìn tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 48,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với 9 tháng năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 165,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 9 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. Bình quân một tháng có 15 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp: Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 cho thấy: Có 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2023; 37,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 32,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý IV/2023, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 23,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Anh Thư