0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 06/01/2024 13:00 (GMT+7)

Kinh doanh không như mong muốn, Hà Đô chấm dứt hoạt động chi nhánh miền Nam

Theo dõi KT&TD trên

Sau 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận doanh thu 2.020 tỷ đồng và lãi ròng hơn 533 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu kinh doanh cả năm nay, Tập đoàn Hà Đô mới hoàn thành 50,6% kế hoạch đề ra.

Đóng cửa chi nhánh miền Nam

Mới đây, Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) thông qua việc chấm dứt hoạt động Chi nhánh miền Nam tại địa chỉ số 60 đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM.

Lý do được Công ty đưa ra do kế hoạch kinh doanh thay đổi, cần tổ chức lại doanh nghiệp nên Hội đồng quản trị quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh.

Được biết, tại thời điểm 30/9/2023, Tập đoàn Hà Đô đang sở hữu 17 công ty con; 1 công ty liên kết và 2 chi nhánh. Trong đó, 2 chi nhánh là Chi nhánh miền Nam và Chi nhánh Khách sạn IBIS Hà Đô tại số 2 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận doanh thu đạt 459,56 tỷ đồng, giảm 45,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 99,55 tỷ đồng, giảm 67,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 60,5%, về 53,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 51,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 261,5 tỷ đồng, về 244,89 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 75,5%, tương ứng giảm 32,51 tỷ đồng, về 10,56 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 2,4%, tương ứng giảm giảm 3,1 tỷ đồng, về 127,42 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 66%, tương ứng giảm 40,13 tỷ đồng, về 20,71 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong kỳ mặc dù tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm tới 67,9%, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận gộp suy giảm mạnh so với cùng kỳ. Lý giải doanh thu giảm mạnh, Tập đoàn Hà Đô cho biết, do doanh thu từ mảng bất động sản giảm trong khi các lĩnh vực khác vẫn duy trì ổn định.

Thực tế trước năm 2022, bất động sản đã từng là mảng trụ cột mang lại doanh thu cho Hà Đô. Tuy nhiên, từ quý I/2022, doanh thu từ lĩnh vực này đã liên tục giảm do khó khăn chung của thị trường. Kể từ thời điểm đó đến nay, Hà Đô đã không ngừng trì hoãn việc mở bán dự án Hado Charm Villas giai đoạn 3.

Kinh doanh không như mong muốn Hà Đô chấm dứt hoạt động chi nhánh miền Nam
Hà Đô đã không ngừng trì hoãn việc mở bán dự án Hado Charm Villas giai đoạn 3.

Trong Bản tin nhà đầu tư quý III/2023, CTCP Tập đoàn Hà Đô thông báo rằng kế hoạch mở bán các sản phẩm còn lại của Dự án Hado Charm Villas (giai đoạn 3) hiện chưa thể thực hiện. Ban lãnh đạo đánh giá rằng thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn và việc mở bán tại thời điểm hiện tại không phải là lựa chọn tối ưu để tối đa hóa lợi nhuận từ các sản phẩm còn lại. Do đó, doanh thu từ lĩnh vực này không được ghi nhận trong quý III.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận doanh thu đạt 2.020 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 533,32 tỷ đồng, giảm 48,7% so với cùng kỳ.

Xét về cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ thuỷ điện và điện mặt trời, điện gió giảm 11,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 167,9 tỷ đồng, về 1.295,3 tỷ đồng và chiếm 64,1% tổng doanh thu; doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 77% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 613,1 tỷ đồng, về 183,3 tỷ đồng và chiếm 9,1% tổng doanh thu; doanh thu hoạt động xây lắp tăng thêm 236,53 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 237,5 tỷ đồng và chiếm 11,8% tổng doanh thu; doanh thu cung cấp dịch vụ và cho thuê bất động sản đầu tư khác tăng nhẹ thêm 4,3 tỷ đồng, lên 227,4 tỷ đồng, chiếm 11,26% tổng doanh thu …

Được biết, trong năm 2023, Tập đoàn Hà Đô đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 3.040 tỷ đồng, giảm 13,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.053 tỷ đồng, giảm 24,2% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 533,32 tỷ đồng, Tập đoàn Hà Đô mới hoàn thành 50,6% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Loạt vi phạm tại dự án điện mặt trời của Hà Đô ở Bình Thuận

Liên quan đến Hà Đô, tại thông báo kết luận thanh tra về quản lý và đầu tư xây dựng các dự án điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt các vi phạm trong phát triển điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận. Trong đó, CTCP Hà Đô Bình Thuận (chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4), là công ty con 100% vốn của CTCP Tập đoàn Hà Đô đã xây dựng nhà máy trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

Ngoài ra, Thanh tra cũng chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Bình Thuận để xây dựng các dự án điện mặt trời. UBND tỉnh Bình Thuận đã cho phép các doanh nghiệp như CTCP Năng lượng Thiên Niên Kỷ, CTCP Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1, CTCP Năng lượng Hồng Phong 2, CTCP Đức Thành Mũi Né, CTCP điện mặt trời Trường Thành - Bình Thuận thuê đất 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng mà không có cơ sở pháp luật.

UBND tỉnh Bình Thuận còn phê duyệt và cho thuê đất vượt hạn mức theo quy định để các doanh nghiệp xây dựng dự án điện mặt trời, trong khi một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất đai.

Kinh doanh không như mong muốn Hà Đô chấm dứt hoạt động chi nhánh miền Nam
Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện có 12/13 dự án tại Bình Thuận vi phạm điều kiện khởi công xây dựng công trình như: Thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt; 2 dự án chưa có giấy phép xây dựng; 5 dự án mặt bằng thi công chưa được bàn giao.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Đối với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hồ sơ vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia/Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh không như mong muốn, Hà Đô chấm dứt hoạt động chi nhánh miền Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
“VinFast chơi lớn số 2 không ai là số 1”
Trên hành trình từ số 0 đến số 1, VinFast liên tục khiến thị trường “choáng” không chỉ bởi những kỷ lục về đơn đặt cọc, doanh số mà còn vì những lần tri ân hào phóng cùng các chính sách hậu mãi chưa từng có tiền lệ.

Tin mới

Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại vào dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm các ngân hàng thường đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn. Năm nay, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm đã quay trở lại sau một thời gian dài lãi suất thấp, mang đến cơ sở hấp dẫn cho những ai đang tìm kiếm kênh đầu tư an toàn.
Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.