Khi tư nhân dấn thân vào giấc mơ hạ tầng quốc gia
Chúng ta đã quen với việc tư nhân làm khu công nghiệp, làm khu đô thị, thậm chí làm ô tô, xe điện… Nhưng khi một doanh nghiệp đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam – một dự án mang tầm vóc chiến lược quốc gia – thì phản ứng đầu tiên thường là ngờ vực...
Ngờ vực cũng có lý do, bởi đây không chỉ là hạ tầng, mà còn là biểu tượng của khả năng phát triển. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở sự hoài nghi, thì đến bao giờ Việt Nam mới có thể bứt phá về hạ tầng – yếu tố đã được các lý thuyết kinh tế từ cổ điển đến hiện đại khẳng định là thiết yếu cho tăng trưởng dài hạn?
Theo các mô hình kinh tế học phát triển, đặc biệt là lý thuyết tăng trưởng nội sinh (endogenous growth theory), đầu tư vào kết cấu hạ tầng không chỉ tạo ra việc làm và tăng trưởng ngắn hạn, mà còn là điều kiện để năng suất tổng thể (Total Factor Productivity – TFP) được cải thiện. Một tuyến đường sắt cao tốc không chỉ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, mà còn thúc đẩy luân chuyển lao động, hàng hóa, vốn đầu tư, ý tưởng và công nghệ – những yếu tố cốt lõi của một nền kinh tế năng động.
Tuyến Bắc – Nam này, nếu được hiện thực hóa, sẽ trở thành “trục xương sống” mới của nền kinh tế. Nó tạo nên cấu trúc không gian phát triển hiện đại, nơi các cực tăng trưởng có thể kết nối nhanh chóng, thúc đẩy hình thành những chuỗi đô thị – công nghiệp – dịch vụ mang tính tích hợp. Đây chính là điều mà nhiều nền kinh tế đã làm để thoát khỏi cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình”.
Và điều đặc biệt nằm ở chỗ: lần đầu tiên, một doanh nghiệp tư nhân – VinSpeed, dưới sự dẫn dắt của ông Phạm Nhật Vượng – đứng ra đề xuất triển khai dự án tầm cỡ này. Không xin ngân sách, không yêu cầu nhà nước đầu tư, mà chỉ đề xuất được vay lại nguồn vốn ODA với lãi suất ưu đãi, và cam kết huy động phần vốn đối ứng hàng chục tỷ USD.

Đây chính là một biểu hiện rất rõ ràng cho tinh thần của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Trung ương ban hành: chuyển tư nhân từ vai trò “bổ trợ” sang vị thế “chủ lực”. Và việc tư nhân chủ động dấn thân vào những lĩnh vực vốn được mặc định là “sân chơi của nhà nước” không chỉ là tín hiệu tốt, mà còn là thước đo năng lực phát triển của một quốc gia hiện đại.
Tất nhiên, bài toán tài chính là không dễ. Không có một tuyến đường sắt cao tốc nào trên thế giới có thể hoàn vốn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn kinh tế học, nếu tính đủ các lợi ích ngoại hiện tích cực (positive externalities) như giảm khí thải, giảm tai nạn, tăng năng suất lao động, kết nối vùng sâu vùng xa, thì lợi ích xã hội dài hạn vượt xa chi phí tài chính bỏ ra ban đầu.
Thế giới đã có rất nhiều ví dụ để chứng minh điều này: Nhật Bản với tuyến Shinkansen, Trung Quốc với mạng lưới CRH, hay châu Âu với các tuyến xuyên quốc gia. Những nền kinh tế muốn vươn lên tầm cao mới, không thể mãi trông chờ vào những con đường quốc lộ chật hẹp và phương tiện cá nhân manh mún. Họ phải đầu tư vào hạ tầng kết nối – không chỉ về vật lý, mà còn là hạ tầng của năng suất, của đổi mới sáng tạo, và của niềm tin.
Cũng cần nói rõ: ủng hộ không có nghĩa là dễ dãi. Cần có cơ chế giám sát độc lập, minh bạch, có lộ trình rõ ràng, tránh tình trạng “lấy đất để làm đường rồi lấy đất làm dự án”. Nhưng nếu cứ lo rủi ro mà không cho tư nhân bước vào các lĩnh vực lớn, thì làm sao có thể khơi thông được hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm im trong khu vực tư?
Ở tầm nhìn phát triển, đây không còn là “phép thử” nữa. Đây là một cơ hội rất thật, rất cụ thể, để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 68. Nhà nước không cần làm thay doanh nghiệp, nhưng Nhà nước cần mở đường, tạo niềm tin và đặt ra luật chơi minh bạch.
Trước đề xuất của VinSpeed, ngày 15/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp, công bố kết luận yêu cầu các bộ, ngành lấy ý kiến bằng văn bản và gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 19/5; Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước ngày 22/5, đồng thời chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội xem xét ngay trong kỳ họp thứ 9 khóa XV.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng rà soát toàn diện đề xuất chuyển hình thức đầu tư, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phát triển hệ thống đường sắt;
Bộ Tài chính đánh giá tính khả thi của phương án đầu tư tư nhân so với đầu tư công, khả năng cân đối nguồn vốn Nhà nước cho vay ưu đãi, quy định lãi suất 0% trong 35 năm, thời hạn dự án 99 năm, khung giá vé tối thiểu và ưu đãi đi kèm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao rà soát, đánh giá đề xuất không tính dư nợ vay của dự án vào tổng dư nợ của Vingroup, đảm bảo tuân thủ Luật TCTD; Các bộ ngành khác (Nông nghiệp & Môi trường, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Khoa học & Công nghệ…) sẽ góp ý về chuyên môn, đánh giá tác động liên quan.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) để luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Đáng chú ý trong dự thảo Luật lần này là việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành NHNN nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ.
Điều này nhằm triển khai đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD, theo cơ quan quản lý ngành ngân hàng.
Như vậy, nếu Luật TCTD cho phép NHNN cấp tín dụng 0% cho các tổ chức tín dụng tham gia dự án chiến lược, thì VinSpeed cũng kỳ vọng được vay ODA 0% để triển khai đường sắt cao tốc. Cả hai cơ chế đều chia sẻ một thông điệp: phân cấp mạnh mẽ, linh hoạt công – tư, đón nhận rủi ro một cách minh bạch.
Việc Chính phủ khẩn trương lấy ý kiến và NHNN chủ động luật hóa cơ chế cho vay 0% thể hiện quyết tâm đồng bộ từ chính sách đến thực thi. Nếu thành công, đây không chỉ là một dự án giao thông, mà là biểu tượng của tinh thần “Đảng và Nhà nước tin tưởng, tạo điều kiện – doanh nghiệp tư nhân biết cách thực hiện, minh bạch, hiệu quả”, đúng như kỳ vọng của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.