Hợp tác xã loay hoay tìm hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Hiện nay, mô hình hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ đang được quan tâm phát triển tại nhiều địa phương. Việc chuyển đổi từ nền “nông nghiệp hóa chất” sang “nông nghiệp hữu cơ” được coi là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã đang gặp khó khi triển khai mô hình này.
Nhiều hợp tác xã chưa mạnh dạn chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Thị trường rau hữu cơ ở Việt Nam đã trải qua một giai đoạn phát triển nhanh chóng. Ngày càng có nhiều nhà sản xuất nông nghiệp chuyển từ cách trồng thông thường sang các phương pháp canh tác hữu cơ, giúp giảm thiểu việc sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Việc chuyển đổi này tạo ra những sản phẩm rau sạch, không chứa hóa chất độc hại, thu hút đông đảo người tiêu dùng có nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đang phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, với diện tích hàng trăm hecta, tập trung chủ yếu ở các huyện Sóc Sơn, Long Biên, Thạch Thất…
Đáng chú ý, nhiều hợp tác xã đã được công nhận đạt chuẩn VietGap, trong đó có Hợp tác xã Việt Doanh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Hợp tác xã này trồng đa dạng cây ăn quả như ổi, táo, bưởi và các loại rau theo mùa. Hiện trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Việt Doanh bán ra thị trường hơn 1.000 tấn rau, củ, quả an toàn.
Tuy nhiên, ông Đào Việt Dũng, Giám đốc Hợp tác xã này cho rằng, mức tiêu thụ này còn khiêm tốn do sản phẩm chưa đạt chuẩn hữu cơ: “Sản xuất của Hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn VietGap, nhưng tiêu chuẩn này chỉ có thể tiêu thụ nội địa thôi. Còn nguyện vọng của Hợp tác xã Việt Doanh là muốn sản phẩm vươn ra nước ngoài. Muốn làm được điều đó thì phải có công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, cụ thể là sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ” – Ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất theo chuẩn VietGap sang mô hình nông nghiệp hữu cơ là một bước tiến khó khăn. Quan trọng nhất là cần tìm vùng sản xuất đảm bảo tuyệt đối an toàn, đất phải được kiểm nghiệm và đạt mức sạch tuyệt đối. Cụ thể: Đất trồng rau không chứa kim loại nặng, hóa chất và không bị chất thải công nghiệp (bãi rác, nhà máy, bệnh viện,…); Đất có nhiều ánh sáng mặt trời, gần nguồn nước sạch và có khả năng thoát nước hiệu quả; Đất đáp ứng cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây trồng hữu cơ;…
Hợp tác xã Việt Doanh và nhiều hợp tác xã khác chưa tìm được đất canh tác phù hợp nên chưa thể triển khai việc canh tác theo hướng hữu cơ. Ông Đào Việt Dũng bày tỏ: “Phải dần dần từng bước thôi, thực ra bây giờ cơ sở tôi đang sản xuất theo kiểu truyền thống và VietGap. Muốn sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là cả một vấn đề. Dẫu biết Nhà nước, chính quyền tuyên truyền, vận động chuyển đổi mô hình sang sản xuất rau hữu cơ nhưng chúng tôi còn rất bối rối. Ngoài các yếu tố đất sạch, nước sạch cần có sự đồng lòng của các hộ dân, như vậy mới tạo một vùng sản xuất tập trung".
Hợp tác xã tổng hợp Hòa Bình, quận Hà Đông là cơ sở sản xuất thực phẩm theo “định hướng hữu cơ”. Năm 2008, cơ sở được UBND quận Hà Đông, Hà Nội đầu tư hệ thống nước sạch để chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, còn một số loại nấm đã đạt chuẩn hữu cơ. Ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã tổng hợp Hòa Bình lý giải chưa thể sản xuất tất cả sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ là do chưa đủ điều kiện thực hiện. Ông Vĩnh khẳng định, sản xuất mô hình hữu cơ còn gặp rất nhiều thách thức và rủi ro:
Một là, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp hơn so với sản xuất an toàn, do không dùng phân bón hóa học, hoóc môn tăng trưởng, công nghệ gen, công nghệ na nô...
Hai là, đối mặt với dịch bệnh do không dùng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tối đa dùng thuốc thú y, kháng sinh tổng hợp, trong khi cơ sở hữu cơ và không hữu cơ nằm liền kề, đan xen, mặc dù có vùng đệm nhưng nguy cơ lây truyền dịch bệnh là rất cao.
Ba là, sản xuất hữu cơ tốn nhiều công lao động hơn (thu gom xác thực vật, làm phân hữu cơ, làm cỏ, bẫy bả…),.
Bốn là, giá thành sản phẩm hữu cơ cao hơn đáng kể so với sản phẩm an toàn do năng suất thấp, chi phí cao (lao động thủ công, phí chứng nhận, diện tích chăn thả, chuồng trại/đầu con lớn hơn…) nên thị trường giới hạn là nhóm khách hàng có thu nhập cao.
Có thể thấy, ncó rất nhiều khó khăn và thách thức đang khiến các HTX không dám chuyển sang sản xuất thực phẩm hữu cơ hoặc đang sản xuất thực phẩm hữu cơ nhưng không dám mở rộng quy mô canh tác.
Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ
Cần khẳng định nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, bởi vì đó là loại hình nông nghiệp bền vững nhất. Để quá trình chuyển đổi sang mô hình sản xuất hữu cơ của các Hợp tác xã trở nên thuận lợi hơn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Cơ sở có định hướng sản xuất thực phẩm hữu cơ cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo, tập huấn theo quy định.
Được sự hỗ trợ theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP, nhiều hợp tác xã đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công. HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuâ, Hà Nội là một trong số đó.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân hiện có 26 nhóm tự quản trồng rau với tổng diện tích 34ha. Sản phẩm rau sạch tại đây đã nhận chứng nhận PGS (hệ thống giám sát cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng). Rau được sơ chế đóng gói đúng quy cách, bao bì có logo PGS, thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm. Mỗi ngày HTX sản xuất khoảng 5 tấn rau củ quả các loại, phân phối rộng đến các gần 100 các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Rau sạch Sói Biển, Bác Tôm, Eximax... HTX đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm. Một số sản phẩm rau gia vị và bí xanh của HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân đã được xuất sang Pháp, Đức.
Theo bà Hoàng Thị Hậu, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, đơn vị đã phải rất quyết tâm để khắc phục những khó khăn trong giai đoạn đầu chuyển đổi: “Khó khăn rất nhiều và chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi cũng rút ra những bài học, chia sẻ với rất nhiều cơ sở khi họ đến học tập tại Hợp tác xã Thanh Xuân. Nhà nước đã vào cuộc, xây dựng những cơ chế chính sách hỗ trợ ở những khâu đào tạo và hỗ trợ một số khâu về kỹ thuật và tổ chức các chương trình thông tin xúc tiến thương mại để kích cầu, để bà con làm sao yên tâm sản xuất. Tôi cũng mong muốn Nhà nước, xã hội sẽ có nhiều hỗ trợ, ủng hộ để Việt Nam mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ” – bà Hậu chia sẻ.
Ngoài hoàn thiện các quy định về kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí đào tạo, sản xuất, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần phát triển thị trường sản phẩm hữu cơ ở trong và ngoài nước. Thị trường không tự nhiên mà có nên rất cần vai trò của doanh nghiệp liên kết với nông dân, vai trò khâu nối của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam. Nhà nước cần hỗ trợ phát triển thị trường, ví dụ hỗ trợ “bữa ăn hữu cơ” tại các trường học, nhà ăn công cộng, các điểm bán lẻ; đưa sản xuất hữu cơ vào chương trình giáo dục các cấp; hỗ trợ các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng… như kinh nghiệm của các nước ./.
Dương Định