0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 08/07/2023 17:11 (GMT+7)

Tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long

Theo dõi KT&TD trên

Trong giai đoạn đến 2025, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Giai đoạn đến 2030, hoàn thiện xây dựng hệ thống các trung tâm đầu mối đã được xác định trong quy hoạch vùng gắn với tiến trình đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 816/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.

Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hỗ trợ việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; làm cơ sở để xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.

Tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long

Đến 2025, tập trung phát triển 08 trung tâm đầu mối về nông nghiệp

Một trong các nhóm nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao.

Cụ thể, chuyển đổi cơ cấu sản suất nông nghiệp tại các tiểu vùng sinh thái. Theo đó, giai đoạn đến 2030, cơ bản duy trì mô hình sản xuất hiện nay tại các địa phương; sau năm 2030, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo phân vùng sinh thái đã được xác định trong quy hoạch vùng, trong đó việc chuyển đổi chủ yếu diễn ra ở vùng sinh thái mặn-lợ và vùng chuyển tiếp ngọt-lợ.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, cần tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi và nghiên cứu điều chỉnh quy chế vận hành hệ thống thủy lợi, trong đó tiến trình thực hiện theo hướng từ ngoài vào trong, từ vùng ven biển mặn-lợ đến vùng chuyển tiếp ở giữa đồng bằng. Tiến hành đồng thời với quá trình này là xây dựng và triển khai các chương trình, cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ người dân trồng lúa 3 vụ chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao khác.

Về phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực, giai đoạn đến 2025, tập trung phát triển 08 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nước bao gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang để bổ trợ cho thành phố Cần Thơ về thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng. Xây dựng 07 trung tâm đầu mối có chức năng chính về thu gom, phân loại, chế biến nông sản bao gồm: 02 trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng sinh thái nước ngọt (thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo); 03 trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với thủy sản và 02 trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với trái cây, rau màu.

Giai đoạn đến 2030, hoàn thiện xây dựng hệ thống các trung tâm đầu mối đã được xác định trong quy hoạch vùng gắn với tiến trình đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đồng thời, quy hoạch và phát triển các thị trấn nông - công nghiệp gắn với các trung tâm đầu mối về nông nghiệp và tăng cường liên kết với hệ thống đô thị có vai trò trung tâm của vùng, tiểu vùng để thúc đẩy việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh thương mại, dịch vụ logistic, kết nối thị trường của các sản phẩm nông sản.

Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu chủ lực, tập trung gắn với quá trình tích tụ đất đai đảm bảo phục vụ lâu dài, bền vững cho các cơ sở chế biến nông nghiệp - thủy sản của vùng. Bên cạnh đó, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp và từng bước giảm dần lao động trong nông nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng nguyên liệu với lộ trình phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp và đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ logistic.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình thí điểm các mô hình nông nghiệp thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình ứng dụng blockchain vào nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Triển khai đồng bộ, đầy đủ hoạt động thẩm định, chứng nhận, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; chuyển đổi số trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm;...

Phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực

Phát triển hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại 04 hành lang phát triển và các khu vực động lực phát triển, trong đó chú trọng nâng cao tính tập trung và tăng mật độ; phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin; công nghiệp điện chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistic, hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các đô thị có vai trò là trung tâm của vùng, tiểu vùng.

Chú trọng thu hút đầu tư phát triển sản phẩm chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu nông lâm thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp của các địa phương theo từng thời kỳ; Chương trình hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong vùng.

Xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn

Nhiệm vụ trọng tâm khác là xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn. Cụ thể, từng bước xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế tại thành phố Cần Thơ và trung tâm chuyên ngành tại các đô thị: Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng.

Trong giai đoạn đến 2025, tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hạ tầng tại các khu vực tập trung dân cư các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực của vùng đảm bảo khả năng tiếp cận tốt đối với các dịch vụ thiết yếu; ưu tiên đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống cấp nước sạch hoặc nước thô tại các khu vực khó khăn về nguồn nước; xây dựng và triển khai Chương trình dự trữ nước ngọt chiến lược không chỉ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ; xây dựng hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai, bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030; bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ bờ biển.

Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển thương hiệu du lịch đồng bằng sông Cửu Long tầm cỡ quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển; phát triển du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử của vùng.

Xây dựng và triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển các hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chú trọng bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng hay khu vực đa dạng sinh học cao.

Xây dựng và ban hành Chiến lược quản lý rủi ro lũ, ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2100 để xác định các định hướng, giải pháp căn cơ, dài hạn cho vấn đề sụt lún, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó xác định mức độ phòng, chống ngập và cấp độ bảo vệ cho các khu vực khác nhau trên phạm vi toàn vùng.

Trung Anh

Bạn đang đọc bài viết Tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Đầu tư hơn 363 tỷ đồng vào 3 dự án trọng điểm
Tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết về việc bổ sung hơn 363 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn ngân sách Trung ương. Quyết định này nhằm triển khai ba dự án trọng điểm, bao gồm cả lĩnh vực y tế, hạ tầng cơ bản và phát triển du lịch.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến triển khai xây dựng vào năm 2027, hoàn thành vào năm 2035, với chiều dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến tổng vốn hơn 67 tỉ USD.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...