Hà Nội chốt quy định ở 15m2/sàn/người mới được đăng ký thường trú nội thành
Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP. Hà Nội đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người.
Sáng 6/7, tại Kỳ họp 12 của HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP. Hà Nội.
Nghị quyết này quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để được giải quyết đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ áp dụng trên địa bàn thành phố đến hết năm 2030. Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố Hà Nội như sau: Đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người.
HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định; quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá các tác động, báo cáo HĐND thành phố điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung cho biết, việc quy định 15m2 sàn/người ở nội thành dựa trên tinh thần kế thừa Luật Thủ đô và quyết định của HĐND Hà Nội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú. Ông Trung cho biết, căn cứ tính chất đặc thù của địa bàn, UBND Hà Nội thống nhất cần quy định phân vùng khu vực và phân vùng diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhằm góp phần ổn định an ninh, trật tự và đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân trên địa bàn thành phố. Việc xây dựng Nghị quyết dựa trên quy định hiện hành của pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.
"Quá trình thực hiện phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả" - ông Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, báo cáo thẩm tra của HĐND TP Hà Nội nêu rõ, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều. Dự kiến dân số khu vực này đến năm 2030 phải giảm còn 0,8 triệu người, nhưng đến nay quy mô đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.
Việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để thành phố xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết của người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội.
Từ đó, Ban Pháp chế của HĐND TP Hà Nội cho rằng, đề xuất quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người không phải là quy định mới mà là sự kế thừa Nghị quyết số 11/2013/NQ- HĐND và Nghị quyết 21/2016/NQ-HĐND của HĐND Thành phố đã được áp dụng trong giai đoạn 2013-2021.
Về đề xuất quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người: Ban Pháp chế nhận thấy đây là đề xuất mức diện tích tối thiểu áp dụng chung cho tất cả các khu vực, các tỉnh, thành phố theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 của Luật Cư trú năm 2020.
Tại kỳ họp, với đa số tán thành, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hoàng Hậu