0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ năm, 06/07/2023 07:36 (GMT+7)

Hà Nội lý giải nguyên nhân chậm đấu giá quỹ nhà tầng 1 ở các tòa tái định cư

Theo dõi KT&TD trên

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện diện tích tầng 1 hiện thành phố đang quản lý trên 80.000 m2, còn trên 33.000 m2 chưa có đơn vị sử dụng. Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội đã đấu giá 59 điểm với diện tích xấp xỉ 10.000 m2 nhưng chỉ thành công được 8 điểm, chưa được 1.000 m2.

Vì sao chưa thu hồi hàng trăm ki ốt cho thuê tại khu đô thị?

Chiều 5/7, tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội, đại biểu Lưu Quang Huy, tổ đại biểu huyện Sóc Sơn đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Xây dựng về việc lãng phí, nhiều vi phạm của quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Theo đại biểu, tiến độ rà soát kê khai các quỹ nhà này còn chậm. Hiện nay Công ty Dịch vụ nhà ở và đô thị (HUDS) thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà đô thị (HUD) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quản lý.

Trên địa bàn Hà Nội, đơn vị này đã cho thuê khoảng 500 ki ốt thuộc 6 khu đô thị tại các quận Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm. Các ki ốt này hầu hết ở tầng 1 của các dự án, tính sinh lời cao, khả năng cho thuê dễ. Mặc dù được giao, suốt nhiều năm qua HUD và HUDS để nhiều đơn vị cố tình không trả tiền thuê.

Lấy ví dụ tại Khu đô thị Việt Hưng, Đại biểu Lưu Quang Huy cho biết, HUDS đang cho thuê 111 ki ốt hơn 13.000 m2 và Sở Xây dựng mới tiếp nhận 30 ki ốt với hơn 5.000 m2. “Đồng thời hoạt động đấu giá tại tầng 1 chung cư thương mại đang rất chậm, mới tiếp nhận 3 dự án, đề nghị lãnh đạo Sở Xây dựng nêu nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng trên”, đại biểu Lưu Quang Huy đặt vấn đề.

Hà Nội lý giải nguyên nhân chậm đấu giá quỹ nhà tầng 1 ở các tòa tái định cư
Cử tri Hà Nội nức xúc về việc lãng phí, nhiều vi phạm của quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước, tiến độ rà soát kê khai các quỹ nhà này còn chậm. (Ảnh minh họa)

Vấn đề quản lý, sử dụng, khai thác quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cũng đã được củ tri Hà Nội quan tâm và chất vấn trong nhiều kỳ họp. Tại kỳ họp tháng 7/2022, đại biểu Nguyễn Bích Thuỷ (quận Cầu Giấy) cho biết, qua hoạt động kiểm tra, giám sát cho thấy thực trạng công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn TP vẫn còn thiếu dẫn đến vi phạm. Trong tổng số 199 toà nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ thì có tới 650 căn hộ có vi phạm khi đơn vị quản lý tự ý cho vào ở trong khi các hộ chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê nhà. Hiện nay mới khắc phục được 396 căn.

Đề nghị, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng công tác kiểm tra, thanh tra của Sở khi xảy ra những vi phạm đã nêu? Đối với những căn hộ chưa khắc phục Sở đã tham mưu và có những giải pháp gì để giải quyết dứt điểm?

Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Giao (quận Nam Từ Liêm) chất vấn, qua giám sát HĐND TP thấy quỹ nhà tái định cư để trống còn khá nhiều gây lãng phí tài sản Nhà nước. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng và trách nhiệm của đơn vị nào khi quỹ nhà chưa bàn giao đã xuống cấp? Bên cạnh đó, hiện có khoảng hơn 700m2 diện tích tầng 1 nhà chung cư tái định cư sử dụng sai phép. Đề nghị Sở cho biết trách nhiệm của Sở và việc xử lý vi phạm này bao giờ hoàn thành?

Đang quản lý trên 80.000 m2, mới chỉ đấu giá được vỏn vẹn... 1.000 m2

Trả lời vấn đề này, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi TP Hà Nội ban hành Đề án về quản lý tài sản công, trên cơ sở đó Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch 297 để khắc phục tồn tại hạn chế trong tài sản công là nhà đất. Sở cũng đã ban hành các kế hoạch nhánh liên quan đến quản lý quỹ nhà tầng 1 ở các tòa tái định cư, chung cư thương mại phải bàn giao cho thành phố. Các quỹ nhà liên quan đến xử lý vi phạm liên quan đến quỹ tái định cư, quỹ nhà chuyên dùng.

Với nội dung đại biểu trao đổi, lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin: Đối với Tổng Công ty HUD là đơn vị thuộc Bộ Xây dựng có Cty Dịch vụ nhà ở và đô thị gọi tắt là HUDS. Đơn vị này có quản lý 1 số khu đô thị do HUD làm chủ đầu tư. Tại khu đô thị Việt Hưng tổng cộng có 112 ki ốt, tổng HUD đã thu hồi lại 65/112 ki ốt và bàn giao 35 trên tổng 65 ki ốt đã thu hồi về.

Riêng đối với các ki ốt hiện nay chưa thu hồi có một số nguyên nhân như hợp đồng còn giá trị. Bên cạnh đó, HUDS đã khởi kiện ra Toà án Nhân dân quận Long Biên để xử lý các trường hợp không trả lại các ki ốt này. Trong đó, tòa án Nhân dân quận Long Biên đã hòa giải 1 vụ, tuyên 8 vụ HUDS thắng kiện và các đơn vị hiện nay đang sử dụng phải bàn giao lại cho HUDS.

Hiện nay tòa án Nhân dân quận Long Biên đang xét xử theo trình tự pháp luật các vụ còn lại. Tất cả vụ này được đưa ra xét xử trong năm 2023.

Hà Nội lý giải nguyên nhân chậm đấu giá quỹ nhà tầng 1 ở các tòa tái định cư
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời câu hỏi của đại biểu. (Ảnh TP)

Nội dung thứ hai liên quan đến chậm trễ trong đấu giá quyền thuê tầng 1. Diện tích tầng 1 hiện thành phố đang quản lý trên 80.000 m2, còn trên 33.000 m2 chưa có đơn vị sử dụng.

Để khắc phục, Sở Xây dựng đã ban hành 3 văn bản đấu giá cho 3 đơn vị. Thứ nhất đối với Ban quản lý nhà công sở có 14.300 m2, đối với Cty Nhà là 14.012 m, HUD là 5.497 m2. 3 đơn vị này Công ty quản lý phát triển nhà Hà Nội đã đấu giá 59 điểm với diện tích xấp xỉ 10.000 m2 nhưng chỉ thành công được 8 điểm, chưa được 1.000 m2. Tiền tổ chức đấu giá cũng là do công ty tự ứng ra. Ban quản lý nhà công sở cũng đang vướng dự toán thu chi của quỹ nhà không sử dụng vào mục đích để ở theo Thông tư 124 của Bộ Tài chính.

“Để sớm triển khai thực hiện đấu giá, UBND TP Hà Nội chỉ đạo tách khối lượng công việc cần thực hiện ngay để Sở Tài chính, Sở Xây dựng triển khai trước trong khi chờ Bộ Tài chính hướng dẫn”, ông Phong nói.

Xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ

Tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu giải trình làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm. Ông Thanh cho biết để chuẩn bị cho kỳ họp, UBND TP đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND TP và cử tri từ đầu nhiệm kỳ.

Về kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND TP, Thường trực HĐND TP từ đầu nhiệm kỳ đến nay, người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho rằng đây là những việc khó, đã tồn tại từ nhiều năm trước.

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn có một số dự án, nội dung công việc chưa bảo đảm tiến độ và yêu cầu, mong muốn của đại biểu HĐND TP và cử tri thủ đô.

"Qua rà soát từ năm 2011 đến nay, có 712 dự án chậm tiến độ, với diện tích hơn 5.000ha. Đến nay, sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai thực hiện, thành phố đã rà soát và có phương án xử lý 419 dự án (trong đó đã có thông báo, quyết định thu hồi đất, chấm dứt, dừng thực hiện 118 dự án với diện tích khoảng 2.000ha).

Trong thời gian tới, Hà Nội quyết tâm xử lý dứt điểm 293 dự án còn lại trước ngày 31/12/2023" - chủ tịch Hà Nội nói.

Về phân cấp, phân quyền, ông Thanh nói: "Phân cấp xong không phải để đấy mà phải có quy trình, kiểm tra". Ông cho biết thêm hiện 100% thủ tục phân cấp đã có quy trình; ủy quyền đến đâu, phân cấp, phân quyền đến đó.

"Các quận huyện đã phê duyệt đầu tư hàng chục nghìn tỉ. Rõ ràng đây là chủ trương đúng đắn. Trong quá trình thực hiện phân cấp, ủy quyền thường xuyên điều chỉnh phù hợp. Phân cấp, ủy quyền không phải bắt các quận huyện mặc một áo giống nhau mà linh hoạt theo năng lực, đặc thù từng đơn vị" - ông nói.

Về ý kiến của đại biểu liên quan tới chỉ số cải cách hành chính thủ đô còn thấp, chủ tịch UBND TP "nhận thức sâu sắc" và mong suy nghĩ, tâm tư này của ông truyền tải tới lãnh đạo các sở ngành, quận huyện để phục vụ nhân dân trọn vẹn hơn.

"Có nhiều việc khó khi Hà Nội hiện có hơn 10 triệu dân trong khi khối lượng biên chế các sở ngành, đến cấp xã không hề khác biệt với các tỉnh thành khác. Đôi khi tôi không hiểu anh em làm việc thế nào mà ra sản phẩm như vậy trong khi công việc lớn, họp hành rất nhiều. Nói ra không phải thanh minh mà mong cử tri, nhân dân thủ đô chia sẻ, khi bộ máy nhà nước còn những bất cập nhất định, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân thủ đô.

Chúng tôi xin hứa với sự lãnh đạo của Thành ủy, mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba, xây dựng thủ đô văn minh, giàu đẹp hơn" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cam kết.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội lý giải nguyên nhân chậm đấu giá quỹ nhà tầng 1 ở các tòa tái định cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thanh Trì (Hà Nội): Cần giải quyết dứt điểm đơn kiến nghị tại dự án Khu đấu giá quyền sử dụng đất
Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đình Hòa trú tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) về việc bố ông là thương binh và được phân chia đất ở phía sau chùa Bé là 314m2 đất ở và một sào rưỡi đất ao thuộc diện tích đất ở từ năm 1954.
Phân khu Victoria: Giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và an nhiên
The Victoria, nơi dành cho ai đang muốn tìm kiếm không gian bình yên nhưng không tách biệt với nhịp sống sôi động. Nơi mà không gian sống được đo lường bằng tiêu chuẩn sang trọng nhưng vẫn giữ nguyên sự thoải mái. Đó cũng là nơi mà bất kỳ ai cũng tìm thấy sự đủ đầy trong từng căn hộ tiện nghi.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.