Gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đã giải ngân được bao nhiêu?
Sau 6 tháng triển khai, hiện mới chỉ có 2 ngân hàng và 3 địa phương triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, với số vốn giải ngân vỏ vẹn 83 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước vừa báo cáo về việc triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, sửa chữa chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.
Theo đó, đến nay, mới có BIDV và Agribank ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này vừa có văn bản hướng dẫn nội dung về lãi suất cho vay, thời gian ưu đãi triển khai chương trình này.
Như vậy, sau 6 tháng triển khai, hiện mới chỉ có 2 ngân hàng và 3 địa phương triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cả 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV cùng cam kết mỗi ngân hàng sẽ cho vay 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thương mại từ 1,5 – 2%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc giải ngân cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản của các ngân hàng vẫn thấp. Nguyên nhân do Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh là phê duyệt các danh mục dự án đủ điều kiện để cho vay. Hiện một số địa phương cũng đã phê duyệt danh sách và gửi cho Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, qua rà soát những dự án này đều chưa đạt được cơ sở về pháp lý để có thể giải ngân cho vay.
Còn theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng vẫn rất cao nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội được quy định tại Quyết định số 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Với quy định lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng 5 năm với người mua nhà và 3 năm với chủ đầu tư, sau đó sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, HoREA cho rằng, thời gian như vậy là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm.
HoREA nhận thấy, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường thì đây sẽ càng là “gánh nặng” cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động, nên Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp tình hợp lý hơn.
Theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố đầu tháng 8, có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng.
Đã có 15/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước đã rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục gồm 40 dự án với tổng mức đầu tư là 43.707,28 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 18.010,48 tỷ đồng.
Trong đó, đã có 11 UBND tỉnh công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673,1 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442,78 tỷ đồng.
H.A