Giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên
Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị và thương hiệu để đáp ứng được các thị trường “khó tính”.
Sáng 23/2, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp - PTNT, các sở, ngành, đơn vị liên quan và một số hợp tác xã sản xuất chè tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay sản lượng, diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước. Năm 2022 toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản lượng đạt 20,9 nghìn ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn, giá bán chè Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn các vùng chè khác trong cả nước. Cây chè ngày càng khẳng định được vị thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, là cây trồng làm giàu cho người nông dân Thái Nguyên. Đặc biệt hơn, phát triển sản xuất chè ở Thái Nguyên luôn gắn với bản sắc, văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Với những lợi thế và chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến, tiêu thụ chè Thái Nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Diện tích chè an toàn, VietGAP, hữu cơ được cấp chứng nhận còn thấp so với yêu cầu (4494,7/22.200 ha chiếm 20,25%); lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia sản xuất chè giảm; quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, mặc dù đã phát triển thêm nhiều hợp tác xã, nhưng chưa có sự liên kết giữa các hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè; thị trường nội tiêu là chủ yếu, khối lượng và giá trị xuất khẩu thấp; công tác quản lý chất lượng, truy suất nguồn gốc, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu chè Thái Nguyên chưa được quan tâm đúng mức,....
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung: Chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chè; hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh sản phẩm trà; giải pháp tập trung nguồn lực phát triển và nâng cao giá trị sản xuất chè, hướng tới sản xuất chè an toàn...
Để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của cây chè và thương hiệu sản phẩm trà tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới ngành chè Thái Nguyên rất cần sự quan tâm hơn nữa về công tác quản lý, đầu tư của các sở ban ngành, đoàn thể, các địa phương và các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chè.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình khẳng định, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát quỹ đất để mở rộng diện ích trồng chè đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch. Cùng với đó, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trà; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người làm chè đăng ký gắn mã số vùng trồng, nhất là những vùng trồng chè tập trung của tỉnh để xuất khẩu trà sang các thị trường “khó tính”.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Hoài Anh