Tạo cơ chế, chính sách đồng bộ cho nhà ở công nhân KCN: Yêu cầu cấp thiết
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 3,78 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), trong đó, có khoảng 1,8 triệu người có nhu cầu về nhà ở.
“Như muối bỏ biển”
Trong nhiều năm qua, các dự án NƠCN KCN, KCX được triển khai xây dựng, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn như “muối bỏ biển”. Khảo sát tại Hà Nội, hiện có 10 KCN đang hoạt động, thu hút 166 nghìn lao động, nhưng một số KCN vẫn chưa phát triển các công trình phục vụ người lao động gồm nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi (siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa…) do thiếu quỹ đất, vướng mắc nhiều thủ tục. Như tại các KCN Thăng Long (huyện Đông Anh), Quang Minh (huyện Mê Linh) vẫn còn quá ít nhà ở dành cho công nhân. Nhiều gia đình, nhóm công nhân phải ở trong các khu nhà trọ ẩm thấp, diện tích nhỏ hẹp.
Còn tại TP.HCM, hiện có khoảng 2,2 triệu công nhân nhưng chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở, còn lại phải thuê phòng trọ. Tỉnh Bắc Ninh còn khoảng 100 nghìn công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều khu chất lượng sống và an ninh chưa bảo đảm.
Tương tự, tại Đà Nẵng, để giải quyết nhu cầu bức thiết của công nhân, Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đề nghị cho phép chuyển đổi công năng của 2 ký túc xá sinh viên quy mô 10.000 chỗ thành nơi ở của công nhân các KCN Hòa Vang và Liên Chiểu, nhưng cung vẫn không đủ cầu...
Trình nghị quyết thí điểm, gỡ vướng về NƠCN
Liên quan đến vấn đề trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho công nhân, lao động là một yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh huy động nguồn lực của các DN, cần bố trí thêm ngân sách để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người lao động tại các KCN, KCX; có cơ chế cho phép DN đông công nhân được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để chính lao động DN đó mua hoặc thuê mua, góp phần “an cư, lạc nghiệp”. Việc phát huy các dự án xây nhà ở cho công nhân thuê cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, khi di chuyển của người lao động thuận lợi hơn.
Đồng thời, xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN, KCX” vào Đề án “Xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp” do Bộ Xây dựng chủ trì…
Đồng quan điểm trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cần đầu tư một phần ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Cần có chính sách hỗ trợ công nhân lao động tiền thuê nhà ở, thông qua các hình thức: Hỗ trợ trực tiếp người lao động thuê nhà ở của các dự án NƠCN hoặc hỗ trợ thông qua DN khi thuê lại các dự án NƠCN, cho công nhân của họ ở theo nhu cầu.
Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân KCN luôn được Ðảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp đồng bộ giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho người lao động, bảo đảm “an cư lạc nghiệp”; báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo. Đây là chính sách kịp thời trong bối cảnh nhu cầu NƠXH, nhà ở cho công nhân tăng cao mà nguồn cung hạn chế.
Hiện Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về NƠCN. Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho NƠXH, NƠCN; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án NƠCN; phát triển đồng bộ các tiện ích trong khu nhà ở; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất; đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua…
Linh Đan