Xuất khẩu gạo tăng kỷ lục, nhưng doanh nghiệp vẫn thua lỗ
Việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, trong khi một số nước tăng dự trữ, giảm bán gạo được xem là cơ hội cho gạo Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng mạnh đã khiến không ít doanh nghiệp báo lỗ hoặc sụt giảm mạnh lợi nhuận.
Doanh nghiệp lúa gạo làm ăn thất bát
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa được Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (gọi tắt Công ty Trung An) công bố, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt hơn 1.600 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty bị âm 7,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lên tới 23,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của công ty giảm gần 84 lần so với nửa đầu năm ngoái khi chỉ đạt hơn 600 triệu đồng.
Theo lý giải của Công ty Trung An, nguyên nhân khiến công ty lỗ do chi phí lãi vay tăng mạnh. Trong nửa đầu năm, chi phí lãi vay của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 64 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ hơn 9 tỷ lên hơn 15 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty phải bù đắp một khoản dự phòng tài chính khi không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách nước ngoài.
Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) nửa đầu năm nay doanh thu thuần đạt hơn 11.300 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, nợ phải trả của Vinafood 2 tăng khá mạnh. Trong nửa năm nay, con số này tăng hơn 400 tỷ đồng, lên 6.400 tỷ đồng. Chi phí lãi vay của công ty tăng gấp đôi lên gần 95 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng từ 367 tỷ đồng lên 565 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt khoảng 9,9 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với nửa năm ngoái.
Đặc biệt, dòng tiền của Vinafood 2 âm nặng. Trong đó dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 2.470 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm hơn 814 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái dương khoảng 674 tỷ đồng.
Hiện, khả năng sinh lời của Vinafood 2 ở mức rất thấp, nếu không muốn nói ở nhóm cuối bảng trong số các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang là doanh nghiệp có tiếng hoạt động gần 50 năm trong ngành xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm doanh thu thuần hợp nhất của công ty chỉ đạt 321 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí lãi vay tăng mạnh và chi phí bán hàng tăng gấp 4,6 lần khiến công ty lỗ 56,4 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp lúa gạo tận dụng "cơ hội vàng" nhưng cũng cần phòng rủi ro
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm nay, sản lượng lúa cả nước dự kiến đạt trên 43 triệu tấn. Trong bối cảnh nhu cầu lương thực tăng cao, dự báo xuất khẩu gạo sẽ vượt kỷ lục năm ngoái, đạt hơn 7,2 triệu tấn với trị giá hơn 4 tỷ USD.
Trong bối cảnh Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, không loại trừ khả năng nông dân và thương lái sẽ găm giữ gạo để chờ giá cao hơn. Vì vậy, ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên thận trọng. Cần lưu ý đến phương thức giao dịch. Nếu có thể thì nên mua trước, bán sau hoặc đưa ra phương thức tính giá xuất khẩu dựa trên chỉ số giá gạo vào thời điểm giao hàng để giảm bớt rủi ro.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nên nhiều khả năng lệnh cấm này còn kéo dài, ít nhất là trong sáu tháng tới. Nhiều chuyên gia dự báo thị trường gạo có thể bình ổn trở lại vào nửa cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Từ nay tới đó, bên cạnh việc tận dụng cơ hội để tăng lợi nhuận, các doang nghiệp, người nông dân cần có sự tính toán và đánh giá toàn diện các mặt để có hướng kinh doanh phù hợp, tránh những rủi ro./.
Dương Định (T/H)