Không để xảy ra lạm phát giá gạo trong nước
Do việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo trắng, Liên Bộ Công Thương - Bộ NN&PTNT khuyến cáo doanh nghiệp phải nghiêm túc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo đã xuất của 6 tháng đầu năm, để đảm bảo không xảy ra lạm phát giá gạo cũng như lương thực trong nước.
Tại cuộc họp báo định kỳ tại TP Hồ Chí Minh chiều 3/8, ông Ngô Hồng Y, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Thành phố cho biết từ đầu năm đến nay, giá gạo tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn giữ mức ổn định, không có hiện tượng biến động mạnh. Đặc biệt, giá mặt hàng gạo tham gia Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 không có điều chỉnh tăng giá.
Theo ghi nhận, giá bán lẻ mặt hàng gạo tẻ thường trung bình trong tháng 7/2023 ở mức 15.900 - 16.000 đồng/kg; Gạo tẻ ngon từ 19.500 - 20.900 đồng/kg; Gạo nếp thường 22.600 đồng/kg; gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg...
Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối… Do đó, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện đôn đốc doanh nghiệp Bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ… đúng tiến độ, kế hoạch (lượng hàng bình thị trường mặt hàng gạo cung ứng ra thị trường tháng thường 3.311 tấn/tháng, tháng Tết Giáp Thìn 2024 là 4.525 tấn/tháng); đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân, đồng thời tổ chức bán hàng lưu động để ứng phó mọi tình huống biến động sốt giá cục bộ.
Trước diễn biến thị trường lúa gạo tuần qua do việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo trắng thường, giá lúa tại ĐBSCL đang tăng lên. Giá lúa những ngày cuối tháng 7 này đã cao hơn khoảng 20% so với vụ hè thu trước. Thậm chí, lợi nhuận được cho là còn cao hơn cả vụ đông xuân – vụ lớn nhất của vùng. Thị trường mua bán sôi động, thương lái hỏi mua nhiều, đặc biệt nhóm lúa gạo thơm hút hàng, tăng nóng.
Bộ Công Thương vừa ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện nghiêm túc quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga), để góp phần tiêu thụ thóc, gạo; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, Bộ đề nghị VFA và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐCP nêu trên.
Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với bộ, ngành liên quan.
Trung Anh (t/h)