Gần 396,9 triệu USD vốn đầu tư FDI chảy vào bất động sản trong tháng 2/2023
Tính đến 20.2, trong số các ngành, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, đánh giá bất động sản Việt Nam còn khoảng trống ở một số phân khúc nên việc thu hút FDI vẫn nhiều cơ hội. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng là phân khúc giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và bất động sản nói riêng. Tiếp đến là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mà thời gian qua, Việt Nam có một số khu du lịch, nghỉ dưỡng tương đối tốt. Tuy nhiên cách thức quản lý kinh doanh lẫn nền tảng khách hàng lớn chưa phát triển.
Theo ý kiến của Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương, hiện nay vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản Việt Nam có thể giảm đi sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường, thì họ chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất, và có giấy phép xây dựng. Do đó với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý được đánh giá rất quan trọng trước khi xem xét đầu tư.
“Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, hơn nữa giá bán cao không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này mà kéo dài chắc chắn làm giảm nguồn cung trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở thương mại đang là mối quan tâm hàng đầu của các thành phố lớn. Thế nên Nhà nước cần đưa ra những giải pháp thực tế, nhanh chóng giúp thu hút nguồn lực, nhất là dòng FDI”, ông Khương nhận định.
Bên cạnh đó, ông Khương cũng nhấn mạnh, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng vấn đề pháp lý chưa được giải quyết triệt để, thì vẫn có nguy cơ mất dần đi sự cạnh tranh về việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường, mà để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam rất cần nguồn lực từ này tham gia thị trường.
“Bên cạnh nguồn lực của nhân dân và Chính phủ, lực đỡ từ nguồn thu FDI có ý nghĩa rất lớn nhằm giúp cho nền kinh tế của Việt Nam phát triển. Với tốc độ phát triển GDP năm 2022 là 8,02% và GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, Việt Nam cần tiếp tục thu hút nguồn vốn nước ngoài để phát triển nền kinh tế”, vị chuyên gia của Savills khuyến nghị.
Số liệu của Tổng cục Thống Kê cũng cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới là 550, giảm 62,4% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể là 235, tăng gần 20% so với 2 tháng đầu năm 2022. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động là 608, giảm 18,8% so với cùng kỳ. Con số này tăng đáng kể so với tháng trước đó và gấp tới hơn 3 lần cùng kỳ năm 2022.
Tiến Hoàng