Dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam
Trong tháng 1/2023 trên địa bàn cả nước đã có 89 lượt dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn tăng thêm đạt 306,3 triệu USD. Ngoài ra còn có 204 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 174,1 triệu USD.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang hiên đang là địa phương có vốn FDI đến mạnh nhất trong đầu năm. Với dự án "Nhà máy công nghệ chính xác Fulian" Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd do Công ty TNHH Fulian thực hiện tại khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên) có quy mô rất ấn tượng. Dự án được triển khai trên diện tích gần 50 ha. Mục tiêu chính là sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông.
Một dự án nữa cũng góp phần đưa Bắc Giang trở thành điểm sáng hút FDI là Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc) đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với quy mô công suất 3.500 Mw/năm tại KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa). Dự án được triển khai từ quý I/2023. Tổng vốn đăng ký của hai dự án trên khoảng 761 triệu USD.
Bắc Ninh cũng là địa phương nằm trong “top” đầu về thu hút vốn ngoại, trong tháng 1/2023, tỉnh thu hút được 20 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 123,1 triệu USD, tăng 12 dự án so với cùng kỳ năm 2022 và đứng thứ 4 toàn quốc trong thu hút vốn đầu tư FDI.
Hiện nay Bắc Ninh đang tập trung hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từng bước tham gia chuỗi toàn cầu; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút đầu tư có chọn lọc.
Bên cạnh đó, Tp. Hà Nội ngay trong tháng 1 cũng đã có 22 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,4 triệu USD; 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với vốn bổ sung đạt 14,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu 23 lượt, đạt 5,2 triệu USD.
Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về môi trường đầu tư thuận lợi. Bên cạnh việc thúc đẩy hạ tầng các khu công nghiệp, các chính sách thu hút đầu tư cũng được thành phố thường xuyên triển khai như cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế, đất đai... Qua đó, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhiều nước đến thành phố.
Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu và trình Thủ tướng ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể, như: Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.
Chiến lược còn đặt mục tiêu thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.