Eximbank nói gì về vụ xài thẻ tín dụng 8,5 triệu “ôm” nợ 8,8 tỷ?
Đại diện ngân hàng Eximbank cho biết, khoản nợ thẻ tín dụng trị giá hơn 8,5 triệu đồng của khách hàng đã quá hạn gần 11 năm. Ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Những ngày gần đây, mạng xã hội chia sẻ thông tin ông P.H.A sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ năm 2013 và phát sinh dư nợ 8.554.625 đồng.
Ngay sau khi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi "sốc" trước số tiền lãi mà khách hàng này phải trả.
Eximbank nói gì?
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với báo chí, đại diện ngân hàng Eximbank cho biết khoản nợ thẻ tín dụng trị giá hơn 8,5 triệu đồng của khách hàng đã quá hạn gần 11 năm. Ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Cụ thể, Eximbank cho biết, khách hàng P.H.A đã thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/03/2013 với hạn mức 10.000.000 đồng (mười triệu đồng).
Khách hàng đã phát sinh 02 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/04/2013 và 26/07/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/09/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Theo đó, Eximbank đã thực hiện các thủ tục để thu hồi khoản nợ của ông P.H.A. Cụ thể, ngày 16/09/2013, Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã thông báo bằng văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Tuy nhiên, ngày 12/12/2017, khách hàng có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Ngày 23/12/2017, Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản phúc đáp về nghĩa vụ thanh toán, đồng thời đề nghị ông P.H.A có phương án thanh toán khoản nợ cho ngân hàng.
Từ đó đến nay, Eximbank AMC theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông P.H.A; có buổi gặp gỡ ông P.H.A để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.
Đến ngày 8/11/2023, Eximbank AMC có Công văn số 2155/2023/EIBA/CV-TGĐ gửi ông P.H.A để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng thực hiện xử lý khoản nợ nêu trên.
Eximbank cho rằng đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
“Việc Eximbank phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng”, đại diện ngân hàng này cho biết.
Về phương thức tính lãi, phí, Eximbank cho rằng hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/03/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
“Hiện nay, Eximbank đang tiếp tục làm việc, phối hợp với khách hàng để có phương án hỗ trợ khách hàng xử lý nợ”, phía Eximbank thông tin.
Khách hàng cần chú ý khi sử dụng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chi tiêu để mua hàng hóa/dịch vụ trước và thanh toán lại cho ngân hàng phát hành sau.
Trao đổi với Dân trí, ông Phan Hoàng Quân, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT cũng đưa ra cảnh báo, khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng cần lưu ý nhiều nhất là phí và những vấn đề liên quan đến việc trả trễ hẹn. Với các khoản vay thông thường, nếu khách có lỡ trả trễ hẹn 1,2 ngày thì không phát sinh phí phạt nhưng với thẻ tín dụng thì khác.
Thẻ tín dụng chỉ cần thanh toán trễ 1 ngày sẽ phát sinh phí phạt trung bình khoảng 5% trên tổng dư nợ và cộng thêm tiền lãi quá hạn (20-40% tùy từng ngân hàng). Ví dụ, nợ 1 triệu đồng sẽ bị phạt 50.000 đồng và phát sinh lãi 200.000-400.000 đồng.
Các loại thẻ tín dụng hiện nay sẽ miễn lãi cho khách hàng từ 45 đến 55 ngày, nhưng với điều kiện khách thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn. Do đó, việc thanh toán đúng ngày hoặc thanh toán sớm vô cùng quan trọng và buộc khách hàng phải ghi nhớ để tránh mất tiền oan.
Ngoài ra, khách hàng cũng cần lưu ý tới các loại phí ẩn khác như phí thường niên, phí giao dịch ngoại tệ, phí rút tiền mặt... Nhiều khách hàng nhầm tưởng rằng không sử dụng thẻ sẽ không bị mất phí, nhưng thực tế những loại phí đó đã được ghi nhận vào dư nợ thẻ dựa trên yêu cầu mở thẻ ban đầu.
Nếu không có nhu cầu sử dụng thẻ thì khách nên khóa, hủy thẻ ngay lập tức để tránh phát sinh những chi phí chìm.
Nếu không có nhu cầu sử dụng thẻ thì khách nên khóa, hủy thẻ ngay lập tức để tránh phát sinh những chi phí chìm.
Khách cũng cần lưu ý câu chuyện thanh toán tối thiểu. Trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán khoản dư nợ tối thiểu (thường là từ 5-10% tổng số tiền chi tiêu) thì sẽ bị mất thêm khoản phí phạt trả chậm và lãi suất quá hạn của số dư nợ chưa thanh toán
Trong vòng 60 ngày đầu kể từ ngày đến hạn thanh toán, khoản thanh toán tối thiểu sẽ bị tính phạt chậm trả và lãi suất quá hạn (đang được quy định bằng lãi suất trong hạn), số dư nợ còn lại vẫn tính lãi suất trong hạn.
Nếu sau 60 ngày, chủ thẻ không thanh toán đủ khoản thanh toán tối thiểu thì toàn bộ dư nợ chưa thanh toán phải chịu lãi suất quá hạn và khoản phạt chậm trả.
Anh Thư