Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN vừa gửi thông tin cho lãnh đạo HoREA xác nhận chủ đầu tư vẫn được vay tín dụng kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh.
Theo ông Châu, trước đó HoREA có văn bản đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét nên sửa Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho “chuẩn”, bởi lẽ dự án bất động sản, dự án PPP thì chỉ cần “đủ pháp lý” chứ không phải là phải “đủ điều kiện kinh doanh”, để các tổ chức tín dụng dễ hiểu, dễ làm và các chủ đầu tư không gặp trở ngại khi đề xuất vay tín dụng, để thực hiện quan điểm của Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ yêu cầu “Tất cả các chủ thể chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” và thực hiện Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/07/2023 của Chính phủ về chuyển sang thực hiện chính sách tiền tệ “chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Cụ thể, HoREA kiến nghị sửa đổi các Thông tư này để dễ dàng "bơm vốn" nhiều hơn cho nền kinh tế.
Ông Châu phân tích, tại Nghị quyết số 97/NQ-CP (Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương), Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả... Chính sách tiền tệ chuyển sang trạng thái linh hoạt, nới lỏng hơn trong điều kiện hiện nay là cần thiết và cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Châu, các Thông tư 03, 06, 08 của Ngân hàng Nhà nước lại làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, Thông tư 06/2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023 đã bổ sung thêm nhiều quy định cấm cho vay tạo thêm các rào cản khiến việc tiếp cận tín dụng khó khăn hơn so với trước đây, kể cả đối với các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà hay nhà đầu tư bất động sản.
Trong khi việc tiếp cận vốn tín dụng là phao cứu sinh để vượt qua khó khăn hiện nay, bởi lẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nhưng khi áp dụng Thông tư 06 thì nhiều doanh nghiệp bất động sản lại khó có thể vay vốn vì quy định cấm tổ chức tín dụng cho vay "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh".
"Điều này không phù hợp thực tế, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế" - ông Châu nhận định.
Thông tư 06 cũng bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay".
Nhưng với các quy định hiện hành của Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Đầu tư 2020 thì việc cá nhân, pháp nhân "góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh" tại mọi giai đoạn thực hiện dự án đều hợp pháp. Đây cũng là điểm mâu thuẫn.
Bởi vậy, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép tổ chức tín dụng được cho vay "để góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh" và phải có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về tín dụng.
Để kiểm soát rủi ro, HoREA đề nghị quy định tổ chức tín dụng có trách nhiệm quy định cụ thể việc cho vay theo tình trạng pháp lý của từng dự án. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thêm 12 tháng đối với quy định các tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đến ngày 1/10/2024 thay vì thời hạn 1/10/2023 (sửa Thông tư 08/2020) để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thực hiện Nghị quyết 97.
Đồng thời, HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xem xét theo hướng bãi bỏ điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021, cho phép các tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ; xem xét bổ sung Thông tư 03/2023 để quy định cho phép các tổ chức tín dụng được xem xét từng trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Thông tư 02/2023...
Cùng đó là các điều kiện khác như: có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay để tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành; Tổ chức tín dụng được phép nhận thế chấp bằng chính trái phiếu này và có tài sản bảo đảm theo phương thức tổ chức tín dụng giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.
HoREA kiến nghị, đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán theo quy định tại Nghị định 08/2023 của Chính phủ.
Theo ông Châu, nếu thực hiện cơ chế này thì sẽ có tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08 sẽ tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ cho trái chủ giúp cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thiên An